Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Cụ Phan Châu Trinh là ai ? Cụ đề cập đến văn minh phương Tây và Nho Tàu thế nào ? – trang 2

Cái quân chủ lợi hại thế nào? Vậy bây giờ ta tóm lại để coi cái lợi hại về quân chủ như thế nào, thì ta thấy bất câu là Á là Âu, ở xứ nào, dân tộc nào mà lập thành nước để đến bây giờ, là đều nhờ những anh hùng hào kiệt đời xưa, họ ra cầm đầu cho dân, ngoài thì đối phó với các dân tộc khác, trong thì sửa sang lại việc hòa bình trong nước. Những cái công đức của các ông đó ta cũng nên khen ngợi, đáng ghi nhớ, chớ không phải không. Còn có dòng dân, trước còn đứng được, sau lại không có anh hùng hào kiệt đứng ra chống chỏi, thì lại bị nước khác nuốt mất. Xem như vậy thì cái lợi của quân chủ thời thượng cổ quý không gì bằng. Tuy các ông cũng có mưu về lợi riêng, nhưng chúng ta cũng có thể tha thứ được. Còn cũng có một cái dịp dùng cái quyền quân chủ rất tốt, như nước Nhật nước Xiêm, khi người Âu Châu mới qua thì dân còn ngơ ngác không biết gì, thế mà nhờ trên có vua anh hùng, dưới có các quan tài trí, đem đường chỉ lối cho dân tấn tới lại càng mau. Vậy thì đó cũng là một sự hay. Còn từ chỗ sắp sau, chỗ nào dân không thế nhờ được dịp đó thì cái quân chủ là một đồ vô dụng. . Ta xem bên Tàu 30 năm trước, vua Quang Tự đã hạ chiếu duy tân, vì có một người thiếp của cha mê trai, tham của, không chịu thay đổi chính trị, chẳng những làm cho dòng vua Mãn Châu mất, mà làm cho Tàu đến nay còn khốn đốn. Vua Cao Ly, bên vợ thì duy tân, bên cha thì thủ cựu, đanh nhau mãi, giết nhau mãi, rút lại cha mẹ thì ở tù, vợ bị giết, mình thì hai tay bưng nước dâng cho Nhật, rồi bị cách chức. Nhắc qua dến ông vua nước ta là ông Tự Đức mà đến bây giờ mấy ông quan già và mấy ông đồ già còn ca tụng là “Thánh Quân”, khi người Tây mới qua, quan binh thì cũng có như ông Nguyễn Tri Phương, như ông Võ Trọng Bình xin đánh, mà nói có muốn đánh thì phải xuất tiền đi ngoại quốc mua sống ống về mói có thể đánh được. Nhưng mà ông vua ấy có tính thương tiền tiếc bạc, cứ muốn chôn dưới đất, chẳng muốn đem mua cái gì cả, ông trả lời với quan binh rằng: “Các anh muốn đánh thì đánh, nhưng mà nếu các anh đánh không hơn thì các anh để mẹ con trẫm ở đâu?” Làm ép cho mấy quan võ như Võ Trọng Bình bỏ về, còn ông Nguyễn Tri Phương để cho Tây bắt, rồi không ăn mà chết. Cũng có người học thức như ông Nguyễn Trường Tộ, khuyên vua dạo qua bên Tây, xem xét cái văn minh của họ rồi cho người qua học, các quan văn cũng có nhiều người xin thế, mà ông vua trả lời rằng: “Nhật nó là dòng Mọi, Xiêm nó là dòng Mọi; Mọi thì nó học với Mọi được, chớ như ta con thần cháu thánh, lẽ nào lại đi học với Mọi hay sao?” Thôi! Tôi không đoán cái hay cái dở của ông vua đó, để các Ngài nghe rồi các Ngài sẽ đoán xét các ông vua đó là ông vua gì. Mẹ con ông chết thì có chỗ chôn, còn mẹ con hai mươi triệu bơ vơ đến bây giờ đó thì sao? Bọn mà ông cho là mọi rợ thì bây giờ nó đã tấn tới hết cả. Hai mươi triệu khi xưa không đến mọi rợ mà bây giờ chẳng những hóa ra mọi rợ, mà lại hóa ra tôi đòi hèn hạ nữa! . Quân trị tức là nhân trị (người trị người) Đây hãy nói tóm lại quân trị tức là nhân trị. Quân trị chủ nghĩa, tuy có pháp luật mặc lòng, nhưng mà pháp luật cứ tự tay vua lập ra, chứ còn dân thì không hay biêt gì hết. Vậy cho nên khi nào gặp ông vua thông minh anh hùng, hiểu được cái sự quan hệ giữa dân với nước là thế nào, mà trừng trị lũ quan tham lại nhũng, để cho dân được làm ăn, thì dân giàu nước mạnh, mà cái thì giờ của ông vua sống được bao nhiêu thì nước còn được thái bình bấy nhiêu. Còn đến mấy ông vua hôn ám thì ông sống với đàn bà con gái, với bọn hoạn quan, còn biết gì đến nước trao chính quyền vào trong tay mấy đứa nịnh thần, người đã hư thì nước cũng đổ thôi. Cho nên ông Khổng Tử có nói rằng: “Văn võ chi chính bố tại phương sách, kỳ nhân tồn tắc kỳ chánh cử, kỳ nhân vong tắc kỳ chính tức”, nghĩa là cái chính trị vua Văn vua Võ còn chép ở trong sách, có người chính trị giỏi thì cái chính trị trong sách đó mới thi hành ra, nết không có người giỏi thì cái chíng trị ấy mất. Tuân Tử thì nói rằng: “Hữu trị nhân, vô trị pháp” nghĩa là có người hay làm hay chứ không có cái pháp luật nào là hay được. Ông Mạnh thì kiêm cả hai ông mà nói rằng: “Đồ thiện bất túc dĩ vi chính, đồ pháp năng dĩ tự hành”, nghĩa là có người giỏi mà không có pháp luật thì cũng không làm chính trị được, có pháp luật mà không có người giỏi thì pháp luật cũng không tự làm lấy được. / Mấy nghìn năm nay, mấy ông vua giỏi, tướng giỏi hết sức mà tránh cho khỏi cái chữ quân trị là nhân trị, nhưng mà không được, là vì lập phép này phép kia cũng là tự tay vua, đến khi đạp đổ đi cũng tự tay vua. Ấy tôi nói những ông vua biết lo mà chữa cho khỏi chữ nhân trị là từ đời Tống, đời Đường sắp lên, những ông vua hiền minh thì thế. Còn từ đó sắp xuống thì chuyên chế quá lắm. Xem như ông Minh Thái Tổ đặt ra cái luật “hữu tài bất vi quân dụng”. Nghĩa là đặt ra cái luật hễ ai không ra cho vua dùng là có tội. Ấy là để bắt người ta phải ra cho mình áp chế hết cả, chớ không cho ai ở ẩn nữa. Về đời Càn Long lại đặt ra luật “yêu quân” nghĩa là có tài mà buộc vua cầu cạnh mình thì có tội. Những cái luật đó thì có ích gì cho dân tộc, cho nhà nước đâu, chỉ làm sướng cái óc kiêu ngạo, làm cho sướng cái xác thịt của ông “Hoàng Đế” đó thôi. Vua đời xưa thì còn cầu hạ sĩ, chứ còn vua sau thì cứ nằm ngửa đó, thằng nào có tài mà không ra cho tao dùng thì tao bỏ tù, thì còn gì sang trọng hơn nữa. / Từ nãy đến giờ tôi nói về lịch sử và triết học quân trị là nhân trị. Đây tôi xin kể thêm vài cái chứng thật cho anh em dễ hiểu. Nhân trị là cai trị một cách rộng rãi hay là nghiêm khắc chỉ tùy theo lòng vui, buồn, thương ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không. Thí dụ như ông Gia Long lấy cái luật của đời Càn Long nước Tàu để cai trị dân Việt Nam; trong cái luật đó nói rằng: “phí công quân bất hầu”, nghĩa là không có công đáng được giặc thì không phong tước hầu. Vậy thì ông Nguyễn Văn Thành phong tước hầu, à làm đến trung quân, chẳng qua do ông Gia Long vui trí mà cho đó thôi, chứ không phải ông Gia Long có lòng công bình mà xét cho cái công trạng của ông ấy theo đánh giặc từ nhỏ đến lớn. Sao tôi dám nói vậy? Bởi vì sau đó con ông Thành làm một bài thơ chơi, nghĩ cũng chẳng tội lỗi gì, mà ông Gia Long không biết tới ba họ. Như vậy chẳng qua khi cơn giận ông lên thì ông giết, chớ có pháp luật gì đâu. Tôi nhắc qua một cái tích của ông Tự Đức mà tôi đã nói ở trên. Năm Tự Đức thứ 25, dân Trung phần chết đói, nhà nước đã lo phát chẩn được một ít rồi, các quan lại xin trích tiền thuế trong các tỉnh, các chủ huyện để trữ lại trong xã thương các làng, phòng năm khác dân có đói chăng, thì ông ta cho dân được đem tiền đem lúa ra nạp quyên mà lấy chức Bá hộ, Bát phẩm, Cửu phẩm. Nhưng mà xuống dụ các quan cho dân quyên chịu đã, nghĩa là số quyên một nghìn quan tiền thì cứ đóng trước đi 300 quan rồi phát bằng cho đã, chừng nào đóng đủ số tiền thì sẽ phong sắc cho. Còn tiền đóng thì cứ để lại cho các làng ấy. Cái dụ xuống rõ ràng như thế. Cách một năm thì thấy cái dụ khác kể hết tiền chưa đóng và đã đóng rồi, bắt phải đem hết ra tỉnh để cấp cho lính đánh giặc. Tỉnh sức xuống phủ huyện, phủ huyện sức xuống các làng. Dân trả lời rằng vua cho quyên chịu, chớ không bắt đóng ngay, năm này mất mùa dân không chịu đóng, làm gì nó cũng không có mà đóng. Quan tỉnh tư Bộ, bộ tâu vua, vua phán phải làm tội hết những dân ấy. Nhưng trong luật Việt Nam những cái luật tiền bạc thuộc về dân qua lại với nhà nước thì ít thấy lắm, các quan không biết theo mặt luật gì mà làm án, phải tâu lên vua hỏi phải làm án gì, nhà vua bawst phải làm theo luật “thượng thư bất dĩ thiệt” nghĩa là chiếu theo luật các quan dâng thư cho vua nói về chính trị mà không thật. Quan Bộ cứ đó mà làm tội. Đến khi tư về các tỉnh, người thì sáu năm, người thì tám năm, người thì mười hai năm tù. Gia dĩ đang đi đói khát, cha xa con, vợ bỏ chồng, tưởng quyên cái Bát, Cửu phẩm để lấy làm vui, hay đâu không được vui mà lại phải ở tù. May đâu cái án đó đi đến Quảng Ngãi, gặp một ông Án Sát, ông ấy thì giỏi luật lệ mà có lòng thương dân, lo việc nước (ông ấy là người Bến Tre về tỉnh Vĩnh Long tên là Nguyễn Thông hiệu Kỳ Xuyên, sau lục tỉnh mất thì ông chạy ra Phan Thiết.) Ông ấy cứ từ từ mà bẻ hết cái án, rồi ông gửi trả lại cho Bộ, ông nói rằng: “cái vụ này chỉ có vua với quan dối dân, chứ dân không nói dối ai chút nào cả”. Còn chiếu theo luật “thượng thư bất dĩ thật” thì không đúng vào đâu cả. Ông Tự Đức biết mình lỗi, nhưng mà mắc cỡ xui cho người khác kiện ông Nguyễn Thông rồi cách chức ông đi, muốn trị tội nặng. Nhưng dân Quảng Ngãi và dân các tỉnh hết sức bênh vực ông ta, cho nên cũng chẳng làm hại ông được, chỉ đuổi ông ta đi mà thôi. Đây nói lược qua một hai điều cho các Ngài nghe, chứ tôi kể hết cái sử Tàu và Việt Nam thì mấy ngày không hết. . Nói qua dân trị chủ nghĩa Nay khắp cả thế giới những nước nào đã theo kịp được một ít văn minh Châu Âu, hay là hiểu được một ít tư tưởng tự do, thì ai cũng hiểu được cái tiếng dân chủ là thế nào, hay là dân trị là thế nào. Bên Âu châu có mấy nước quân chủ mặc lòng, nhưng nước nào cũng có đảng Dân chủ ở trong thượng, hạ nghị viện cả. Duy nuớc ta thì như trong lục tỉnh này thuộc với Tây đã hơn sáu mươi năm, cái chữ “République” thì nói luôn trên miệng, nhưng mà chẳng tìm kiếm nghĩa lý như thế nào, so sánh với dân trị chính thể cũ của nước ta như thế nào! Ấy là nói những người có ăn học, ý tôi xem hình như các Ngài đoán trước rằng có quân chủ là hơn. Còn nhất là dân nhà quê chẳng những không biết dân chủ là gì, mà đối với vua thì thờ trên đầu như thờ Thần thờ Thánh; chẳng những là không nghĩ đến sự “phải có hay là không” mà hình như có ai ngĩ đến việc đó thì phải bị sét đánh, đá vằn, voi chà, ngựa xé. Khi nào nghe nói bất luận là ông vua nào, nghe qua thì trong lòng đã vui mừng hớn hở, nghĩa là ông ấy chắc mình trông cậy được, rất dở là mới đây việc Phan Xích Long còn xảy ra trong xứ này. Vậy mới biết rằng cái độc quân chủ vào óc dân ta sâu quá, mà cái trình độ của dân ta cũng thấp quá, chỉ có một người mà nói: “Mầy phải trung với người này, phải kính với người này”, thì nó mới hiểu. Mà nếu cứ nói ra cái tên nước Việt Nam mà rằng: “Ấy là nước ông cha mầy, mầy phải thương”, thì tay nó không rờ được, mắt nó không thấy được thì nó không thể làm thế nào mà thương được. Vậy thì trừ ra một cái nhà, một cái vườn, vài mẫu đất nội chỗ con mắt nó thấy đó thì nó thương được mà thôi. Đã mấy mươi năm nay tôi thường thấy nhà báo hay nhà diễn thuyết, hễ mở miệng ra thì nói nước có hai mươi triệu quốc dân, trong giọng nói hình như có danh giá, có sự khoe khoang, có sự tin cậy. Nhưng mà tôi nghĩ trong hai mươi triệu ai cũng biết có nhà mà không biết có nước; như thấy trong cái nhà nào trong lúc rủi ro có ba, năm người con trai bị chết tuyệt tự, hay nhà nào ruộng đất mà bị kiện thưa, hay là bị con ham cờ bạc thì xúm lại nói ồn ào khắp dân gian, cho là việc quan hệ nhất trong xứ này. Còn đến việc “mất nước” thì chẳng ai mơ màng vào đâu. Một dân tộc mà nó đối với nước lơ láo lạt lẽo như thế thì cũng khốn nạn thật! Dân như vậy mà muốn bỏ vua đi mà lập ra dân quốc, chắc trong các Ngài có ông cũng lấy làm lạ. Nhưng tôi nghĩ rằng vì cái độc quân chủ giết hẳn cái lòng ái quốc của dân Việt Nam ta, bây giờ muốn cho dân Việt Nam ta biết nước là của chúng nó thì phải đem cái tụi bù nhìn đó vất hết cả đi, thì nó mới có thể tìm kiếm cái nước đó là nước của ai? Mà nòi giống ta thông minh, có lẽ một ngày kia sẽ gặp thấy rằng ở trong cái miếng đất mấy nghìn năm lưu truyền lại đây, cái quyền lợi của nó hãy còn nhiều. Cái quyền phép của nó cũng có nhiều, rồi nó sẽ hiểu rằng xưa nay người mà nó gọi rằng vua quan đó, chẳng qua là người thay mặt làm việc cho nó, nếu làm không xong thì nó đuổi đi cũng không có lỗi gì. Khi nào dân đã hiểu như thế thì nó mới biết thương nước. Mà có biết thương nước thì một ngày kia mới mong tự do độc lập được, chứ không thế thì cứ đời đời làm tôi mọi mãi. . Sao gọi là dân chủ? Câu này ở châu Âu thì không cần phải cắt nghĩa cho nhiều, nhưng mà ở trong xứ mình thì tôi cắt nghĩa mau mau để cho người ta hiểu cái đại lược. Lịch sử – bất cứ là dân nước nào số người học thức cũng là phần ít cả, thường thường nhờ cái đảng thượng lưu, trung lưu dẫn dắt nó đi ấy là lẽ thường. Nhưng mà duy có dân châu Âu khác với dân ta có một việc; từ khi bắt đầu khởi ra thì họ đã sùng trọng dân chủ. Nhưng không biết thế nào hồi nước Hy Lạp họ lại có cái hội gọi là Trưởng Giả hội nghị, thì do ông vua nhóm họp lại những bậc quí tộc mà lập pháp luật ban cho dân. Lại có cái hội tên là Quốc dân hội nghị, phàm là những việc do ông vua cùng những người quí tộc đã đặt ra thì phải giao cho hội ấy xem có bằng lòng thì mới được làm. Sau đến nước La Mã thì có hội nghị “một trăm người” thì lấy trong quân lính mà sắp đặt ra hội ấy, phàm xứ ấy có việc gì lôi thôi thì hội ấy bàn. Còn sau đến hồi dòng vua La Mã mất, thì có một cái hội “La Mã nguyên lão viện”, lại một hội “La Mã bình dân viện”. Cho nên sau khi La Mã đổi làm đế quốc chuyên chế mà cái phép La Mã cũng phát đạt luôn luôn. Bây giờ các nước đâu đâu cũng bắt chước La Mã cả. Trong một lối từ khi mọi Nhật Nhĩ Man tràn xuống phá La Mã đế quốc, các nước châu Âu được độc lập hết cả, thì cái chính thể hội nghị ấy đã mất đi mấy trăm năm. Lạ lùng thay người Anh còn giữ lại được rằng “Nhân dân hội nghị”, “Hiền giả hội nghị”, hai hội ấy đều là vua nhóm những kẻ tài trí trong dân gian để giao cho cái quyền “lập pháp”. Đến nay thành ra cái Hạ Ngị Viện Anh bây giờ, mà đến thế kỷ 17-18 lại truyền bá ra cả lục địa châu Âu. Ấy là nói đại lược qua cả lịch sử dân quyền châu Âu. Đây tôi xin nói qua chính thể dân chủ là thế nào? Bây giờ bên châu Âu trừ nước nào còn ngu dại, còn thì theo chính thể dân chủ. Đây tôi nói về cái chính thể bên Pháp – ở trong nước có một Hạ Viện là viện quan hệ nhất. Số nghị viên thì trên dưới sáu trăm, dân chúng hai mươi mốt tuổi trở lên thì ra bầu cử. Dân hai mươi lăm tuổi trở lên thì được ra ứng cử. Được cử rồi thì gọi là Hạ Nghị Viện. Số phận nước Pháp nằm trong tay cái hội ấy, hội ấy thì chủ quyền để lập pháp luật. Thứ nữa có một Nguyên Lão Nghị Viện. Cái viện ấy lại không phải dân cử. Các hội đồng ở các tỉnh các hội nào mà nhà nước đã nhận có cái nhân cách, và những người là việc nhà nước thì lại ra ứng cử. Hội ấy thì để coi về việc tiền bạc. Khi nào bất đầu đặt Tổng Thống, hay là thiếu mà đặt lại, thì hợp số người trong hai viện ấy lại mà bỏ thăm. Người ta ứng cử cũng là ở trong hai viện ấy. Ai được nhiều thăm thì làm Tổng Thống. Khi Tổng Thống đã được bầu cử rồi, thì phải thề trước mặt hai viện rằng: “Cứ giữ theo hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo đảng này chống đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy thì dân cứ trục xuất ngay”. Trước thì có Mac Mahon, sau thì có Millerand bị cách chức, cũng vì phạm hiến pháp. Còn chính phủ thì cũng bởi trong hai viện ấy mà ra. Nhưng mà giao quyền cho đảng nào chiếm số nhiều ở trong hai viện ấy thì được tổ chứ Quốc vụ viện (tức là chính phủ, tòa nội các). Theo quốc vụ viện bây giờ chừng đâu đến cũng vài chục bộ, nhưng không phải ăn rồi ngồi không, vênh râu lên đó như mấy ông Thượng thư ta đâu. Ông nào cũng có trách nhiệm ông ấy cả. Nếu cái gì mà làm không bằng lòng dân, thế nào cũng có người chỉ trích. Bởi vì ở trong hạ viện thế nào cũng có hai đảng, một đảng tả một đảng hữu; nếu cái đảng tả chiếm số nhiều mà cầm quyền trong nước thì đảng hữu xem xét chỉ trích; cho nên có muốn làm bậy cũng khó lắm. Trong nước đã có hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng hiến pháp. Cái quyền chính phủ cũng bởi hiến pháp qui định cho, lười biếng không được, mà dẫu muốn áp chế cũng không chỗ nào thò ra được. Vả lại khi có điều gì phạm đến pháp luật, thì người nào cũng như người nào, từ ông Tổng Thống cho đến một người nhà quê cũng đều chịu theo một pháp luật như nhau. Các quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử đoán thì giao cho các quan án là những người đã học giỏi luật lệ, có bằng cấp. Các quan ấy thì chỉ coi về việc xử đoán, có quyền độc lập, cứ theo lương tâm công bình, chiếu theo pháp luật mà xử, xử chính phủ cũng như xử một người dân. . Các quan án ở về một viện riêng gọi là viện Tư Pháp. Quyền tư pháp cũng như quyền hành chánh của chính phủ, và quyền lập pháp của nghị viện, đều đứng riêng ra không họp lại trong tay một người nào. Đây là nói sơ luợc thôi, muốn hiểu kỹ cái chính thể dân trị thì phải chuyên môn mới được. Xem vậy thì biết dân trị tức là pháp trị (lấy phép mà trị người). Vì quyền lợi và bổn phận của mọi người trong nước đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi tự do. Muốn bước tới bao nhiêu cũng không ai ngăn trở, chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền lợi của người khác thì không được. Vì đối với pháp luật thì mọi người đều bình dẳng không có ai là quan, ai là dân cả. * * * So sánh hai chính phủ quân trị và dân trị, ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều mà trị một nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được ấm no vui vẻ hay là phải đói rét khổ sở chỉ tùy theo lòng của người chăn. Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế nào thì làm thế ấy. Dù không có người giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nỗi phải đè đầu khốn nạn làm tôi mọi một người, một nhà, một họ nào. . Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân nào ngu dại cứ ngồi yên mà nhờ trời mà mong đợi mà trông cậy ở vua, ở quan, giao phó tất cả những quyền lợi của mình vào tay một người, hay là một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước, mới mong có ngày cất đầu lên nổi. . (1) Bát cổ: Bài kinh nghĩa có 8 vế, thường gọi là bài văn bát cổ tức là những người học đi thi cử ngày xưa. / Trang: 2/2 « 1 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét