Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Lô Giang

Có một đêm cuối thu trời se se lạnh , nó đói ! Đi quanh cái bờ hồ ăn mỗi cái bánh mì loại rẻ tiền,tóp tòm tọp và không muốn về . Nhà nó ngay gần dó , phố Tôn Đản . Nhà của nhóm Vip . Cái tên của nó cũng là một chi tiết Vip : Lô Giang – dòng Lô ( Lịch sử ).
Nó sinh viên trường xây dựng . trường lúc đó còn ở trên mạn Đa phúc Vĩnh yên gì đó .Chủ nhật và ngày nghỉ lễ tết , nó nhẩy tầu hỏa về Hà Nội . Nó nhớ Hà Nội và bạn bè , nó không nhớ nhà .Dường như nó có điều gì rất lớn và rât buồn .Tôi biết một ngày , nó sẽ nói với tôi . Tôi im lặng chờ đợi. Trong thế giới của nó, tôi là một người mới , là một electronic nằm ở vòng ngoài cùng , lớp ngoài cùng .Có khác chăng thế giới vật chất ở chỗ : tuy lớp ngoài cùng nhưng lực hút lại không ít , không lỏng lẻo . Có thể vì đồng cảm , có thể là lặng lẽ duy nhất không khoa chương ồn ào , có thể do chân thành .
Bây giờ , nó không còn . Trong một lần về nghỉ hè , nó đã trượt ngã khi đứng ở chỗ nối giữa 2 toa tàu , lúc tàu đang chạy .Nó dừng lại ở tuổi 22, vào một ngày đầu kỳ về nghỉ hè . Đưa tang nó, tôi không buồn . Tôi chỉ thương nó . Rất thương . Cho đến tận bây giờ , ngay cả khi này ! Thỉnh thoảng vẫn về thăm tôi ,nó cười… vẫn vậy . Trẻ trung , nam tính, ,gần gũi tin cậy và đẹp.
Không nói với nó, mà cũng có thể chưa kịp kể với nó : tôi cũng có những phiền muộn .Chiến tranh , tuy sống sót.. . Nhưng không vui . Có nhiều cái để không thể vui : học hành dở dang . Tuổi trẻ mà đói . Rất đói, đói cơm gạo , đói kiến thức và thông tin về thế giới . Mịt mù vô hướng .Dù hăng hái đi hay chạy , rồi đến một ngã 3 đường nào đó rồi lại đi, lại chạy , lại có một ngã 3 .Nhiều lần như vậy , không mệt nhưng nản.
Người ta chen nhau để vào cơ quan nhà nước. vào một nhà máy, một xí nghiệp, công ty v.v… tất thảy cũng đều là của nhà nước. Có chỉ tiêu lao động được phân bổ, các đơn vị cơ quan này mới được nhận người, người mới được nhập hộ khẩu, mới tiếp được phân phối gạo mì, lạng thịt, bìa đậu, mớ rau, chút dầu củi để đun…Cái chữ Hộ khẩu nó to lắm, nó là miếng cơm, là chai nước mắm, là cái phiếu vải 4 mét / người / năm.
Sau đó, cái đích to dần, bước 2, cao cấp hơn, phấn đấu, một cách lăn xả để được phân nhà, có phiếu thực phẩm Tôn Đản, ốm có tiêu chuẩn bệnh viện Việt Xô.
Những cái đích lớn ấy, thế hệ cha chú của tôi và của Lô Giang đã đạt được. Những huân chương bằng khen nhiều như lá rừng ngày ngày được đem treo mắc. Nhưng thế hệ ấy không thấy chúng tôi buồn và lo âu, khi, gần hết thế kỷ 20 rồi, chúng tôi đã bị bỏ xa, tụt lại phần sau khác của thế giới.
Nó đã đi lâu rồi, từ thế kỷ trước. Tôi gửi cho nó bài thơ này, khi nó trở lại trường, còn tôi ở lại Hầ Nội lặng lẽ quan sát cái không khí huyên náo cờ quạt sau chiến thắng 30 tháng 4.

Chuyện tình cô gái nghèo và thằng ăn cắp

Có một cô gái nghèo
Và một thằng ăn cắp.
Nếu chuyện đời bình thường
Có lẽ, chẳng thể bao giờ
Người nghèo kia sẽ… yêu thằng ăn cắp.

Bất chợt một ngày đến
Trong ngày chiến thắng
Khi thành phố reo vui và đổ ra đường
Cô gái nghèo nhìn qua cửa hẹp
Và nhìn xuống chân, áo, quần
Chợt tủi phận hèn
Rồi, thèm khát.

Màu áo màu quần
Là linh hồn của các cô gái trẻ.
Một quy luât muôn đời,
Tôi cũng nghĩ không khác thế !

Quay trở về chuyện kể:
Khi đó có một ngứời
Không phải là chàng trai,
Mà là thằng ăn cắp.

Lúc nghàn nghàn con mắt
Mải hân hoan hướng về đường vui
Chỉ có đôi mắt thằng ăn cắp,
Biết rõ rằng: sau cửa nhà kia
Có cô bé rất xinh nhưng không tươi.

Bạn học tặng nhau cuốn sách,
Bác nông dân cho nhau con gà,
Người tình cho nhau vòng tay tin cậy,
Thằng ăn cắp cho cô bé gì đây ?

Thành phố đi qua nhiều năm
Khi tôi viết bài thơ:
“Về chuyện tình của người nghèo và thằng ăn cắp”
Thì cô bé rất xinh đã rất tươi,
Lộng lẫy tự tin, đài các.

Tôi muốn kêu lên thật to:
“Hạnh phúc ? Sung sướng ?
Cuộc đời- cô gái nghèo
Áo quần- Tuyệt vời…kẻ cắp ! “

Đau ở chỗ xưa

.
Lời nói có lấy lại được đâu.
Em bỏ ngẩn ngơ theo ai về phố
Hàng cây ngoài kia không còn hương sữa
Một góc vườn, không người tưới, bỏ hoang

Lời thì cũng nói ra mất rồi
Trái tim giờ đã bầm, đã nát
Em bỏ lại thơ ngây, trả lại cho anh
Tô vẽ son môi cho những gì còn lại

Anh giờ vẫn bước đi một mình
Ngày qua ngày lối cũ đi về
Chỗ ta hay đứng, anh ưu tư nhìn phố
Thấy mặt trời nhỏ trong mỗi người đi qua

Chỗ vỉa hè xưa em bán áo nuôi con,
Giờ mọc thêm mấy hàng hoa, hàng nước
Bán hoa là cô bé lớp 10 xanh mét
Anh đau ở chỗ xưa, khi bất lực thở dài.

Anh giờ còn ở lại một mình
Đem áo cũ trải lòng, nên giấy trắng
Viết những điều bộn bề, cao sang.
Đợi một ngày, nụ cười đi cùng nắng.


............................Hà nội, ngày 3/5/2010

Em về

Em về trong ánh mặt trời
Trên đôi vai tròn bé nhỏ
Đôi mắt lung linh trong veo
Bờ môi thơm thơm mọng đỏ

Chiếc bình cổ cong cúi xuống
Cỏ cây như tỉnh như mơ
Thời gian êm êm dừng lại
Không gian yên lặng bất ngờ

Chiếc bình cổ cong cúi xuống
Tóc xỏa trôi như thác ghềnh
Trăm năm dồn về thấy lại
Bầu trời và những dòng sông


Em về trong ánh của ngày
Mùi mồ hôi thơm trên phố
Ngỡ là cơn mê dưới trời
Ngỡ là hoa vàng trước ngõ


................................Tháng 4/2010

Đàn bà Pháp

.
Ngày hôm nay, cái dấu chấm hết to huỵch đã rơi xuống, chẳng còn bên A với bên B. Thế là ngôi nhà xây rất “hòm hòm”, chủ nhà bảo đã có thể về nghỉ. Thật là …oh, yes !.
Lại bắt đầu được trở lại sân bóng đá, trở về với máy ảnh chụp choẹt. Ngoài ra, còn 4 lựa chọn về công việc : nhận giám sát 2 công trình lớn chỗ Tam và Trường, với lương khởi đầu là 5 và 7 triệu, đi xuất khẩu lao động, làm bán thời gian cho 1 cty xuất bản. Tổng kết lại là : 6 tháng qua, quen thì cả 2 chục 3 chục người, nhưng túm lại là chỉ thân với “em Hương cà phê Whit ”. Quan hệ này vô tư, bình dị, cảm thông và vô hại, rồi sau sẽ thi thoảng đến chơi.
Cũng muốn về chơi nhà 2 chú nhóc Tâm Bắc Ninh và Thức Phú Thọ, vào lúc có thể đi được. Cái “Học viện chém gió” sẽ như thế nào nhỉ, khi mình đi rồi ?
Mà cũng phải đến lúc kết thúc cái chuyện sửa chữa điện, nước nhà cô em họ đi thôi ! Mệt nhoài.
Mấy hôm rồi nghe chuyện thay thế cha Kiệt bằng cha Nhơn, rồi cha gì ở Vinh Nghệ An…qua mạng, hóa ra Vaticăng cũng có đôi lúc mù mờ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” trước giáo dân Việt. Nếu có thời gian, sẽ tìm đọc về tôn giáo. Mà cái ních trên mạng “ Trương thái Du” có bài đả phá, chê bôi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn của Việt Nam, từ ngữ cứ ngô nghê, thâm thâm, là lạ. Mà có vẻ như là người tàu vì… là Trương thái Du. . Mà cũng lạ, sao nhiều người không ưa “ tàu lạ”, nếu mất biển thì rút vào đất liền, nếu mất đất liền thì lên núi mà ở, mà, nếu, mất cả núi thì chỉ việc sang Pháp mà sống, càng tốt chứ sao ! Hì, đàn bà Pháp là OK sex lắm., vớ được người đẹp thì có mà quên tiệt cái chuyện tàu há mồm khợp nọ kia. Có vẻ như không được yêu nước lắm, chỉ yêu “thơ” thôi thì phải . Chết tiệt, giá mà thơ chỉ là thơ, còn đừng dính gì, đừng liên quan gì đến đất nước thì có phải hay biết bao nhiêu không. Kiểu như thế này :

Mây ơi, bay đi
Để quả cật lợn ở lại
Ta về neo đậu
Trong lòng chiếc ôtô sang trọng
Gái đứng, gái ngồi, gái gọi,
Là lẩu để những ai ăn ?
Tiền đô, tiền tầu, tiền oi
Những ai có, ai tiêu thoải mái ?
Mùa thu oi nồng
Hè qua, đỏ lửa.

Hoặc :

Tiền, ta có ít như giọt mật
Nhà hàng karaoke, hàng play game, …
Cầm đồ, tẩm quất massa nhiều như lá rụng mùa thu
Con chó: gâu gâu, hít hít
Bầy vịt y chang nhau: cạc cạc
Lũ ruồi bay rợp trời mây… vù vù.

Vừa cởi bỏ cái áo xanh công nhân xây dựng, chưa được nửa buổi đã lòi ra vài mẩu thơ hay thế. Ôi, tôi phục tôi quá !
Đùa chút.

Những cái bàn cạo râu

,

các bạn đừng nghĩ rằng tôi là nhà sưu tầm hay buôn bán đồ….dao cạo râu.
Số là thế này:
1975, ta chiếm xong Đã Nẵng, chúng tôi dạo phố mua được vài cái vặt vãnh, trong đó có cái bàn cạo râu của lính Mỹ. Tôi dùng cũng thấy là bình thường. sau này, bạn tôi thích quá , tôi cho nó. Rồi từ đó, không biết bao lần mua bàn cạo của tàu, nhưng không có cái nào dùng được theo cái nghĩa tử tế hẳn hoi. Cái thì chờn ren, cán quay tít mù, phải chêm chèn giấy vải. Cái của tàu nhái kiểu Mỹ thì mới coong, đã không cạo nổi 3 lần, vì không hạ cái hãm lưỡi xuống, khi vặn để lắp lại thì tụt bung ra thê thảm ( có hình kèm theo).

Hôm rồi, tháng 5/2010. có người quen đi chơi Đà Nẵng, nhờ hắn sục sạo chợ cũ kiểu chợ giời Hà Nội, ngày nào cũng gọi điện nhắc hắn.Thế là, tuy “là một con vịt”, nhưng “được sự chỉ dắt tận tình”…hi, hi, hắn cũng đã lùng ra được cái bàn cạo Mỹ này, ( có ảnh kèm theo).

Nó có mặt ở Việt Nam trước chiến tranh 2 miền kết thúc 1975, đến nay đã hơn 35 năm. Nằm vất vưởng có thể là ở bất kì đâu, chôn cùng với xác địch, xác ta, rồi sau được đào lên, rửa qua loa đem bán. Có thể là nằm rơi vãi trong xó xỉnh ngóc ngách nào đó thật lâu. Cứ xem ảnh là thấy, cái chất thép không dỉ (không hút nam châm), dù đánh rửa xà phòng kĩ nhưng vẫn chưa hết cái sần sần nâu bám lâu ngày két chắc. 35 năm, nó rất cũ nhưng không hỏng, vẫn là một chiếc bàn cạo rất tốt, tốt đến mức chuẩn mực lý tưởng. Túm lại, hoàn toàn ưng ý vì sự hoàn hảo và độ tuyệt vời của cái “by American” này.
Trong sâu thẳm, cũng vui vui, khi cuộc chiến tàn khốc đã kết thúc 35 năm, cũng đã được hưởng từ cuộc chiến này cái bàn cạo , và kinh nghiệm về tìm mua lại cái “ bàn cạo by American ”.
Bây giờ, chụp mấy kiểu ảnh những cái bàn cạo rẻ tiền tàu , vớ vẩn một cách tốn kém và vô dụng để chèn kèm vào đây. Xong, xin được vứt của nợ đi cho rảnh mắt, nó đã làm tốn bao nhiêu công, của, từ người buôn, người vận chuyển, rồi làm luật, rồi đại lý, rồi bán lẻ, rồi lòng vòng loanh quanh chi phí xã hội v.v… Bao nhiêu thứ lao động xã hội, kết tinh trong cái thứ không dùng được hoặc dùng chẳng ra gì, bảo sao người tiêu dùng Việt không tức, đang cố gắng “thông thái hóa” khi phải tiêu dùng. Bye , bye this, no good !
Cái by America chắn chắn phải dùng tốt nhiều chục năm nữa, chỉ ít lâu, nó sẽ sáng bóng trở lại khi có bàn tay người dùng. Thực sự đấy là loại hàng hóa rất tốt, có được từ năng lực sản xuất rất tốt.

Đại Tự – 1966

.
Hồi chiến tranh 1966, cả đơn vị chuyển về Đại Tự Kim Chung. Họp hành thì tập hợp ở sân chùa, sau đó từng đội đi qua một cái cửa nhỏ ra phía vườn sau. Giữa khoảng vườn là cái nhà dựng bằng tre nứa làm hội trường, qua tiếp một đoạn là đến cái ao, trên bờ có mấy cây bòng giống quả rất to, bày bàn thờ thì thật là tuỵệt.
Cụ chủ trì chùa này trông thì chẳng biết là đàn ông hay đàn bà. Khi mình đến thì mọi người đã gọi là cụ chùa. Thằng Vượng “khỉ” còn ra vẻ giải thích: “Đình làng dành cho đàn ông. Chùa dành cho đàn bà”. Mình vặn : “Thế sư ( hổ mang) và chú tiểu thì tu ở đình à ?” Nó tịt. LãoToàn thì trầm ngâm một lúc, rồi đủng đỉnh: “giờ đang bài trừ mê tín dị đoan, đình chùa, miếu mạo rồi cũng phá làm kho HTX hết ý mà ! các cậu quan tâm làm gì, thật vô bổ”.
Cụ chùa là người khó tính, vóc dáng to thô khắc khổ. Bọn lính trẻ hay trêu cụ. Chúng vụng trộm đồ ăn cúng lễ trên ban trên điện thờ. Ném que , gạch đất vào con mèo già của cụ. Có lần, cậu Xây người Hải Dương ăn vụng của cụ chùa, đi té tỏng dài dài. Thuốc tây uống mãi mà chả khỏi. Anh em đùa mách cho bài thuốc: vẽ con chó rồi đốt lấy tro, hòa nước uống sẽ khỏi. Về sau, gia đình biết chuyện, sắm lễ từ Hải Dương lên, dắt tay ông con trước con mắt cả đơn vị bắt sì sụp khấn vái.
Nhớ nhất là cái bể nước mưa của nhà chùa, nước trong mát và rất ngọt. Những hôm đi tập vất vả về, vục cái gáo dừa xuống mà như cơn khát vơi đi một nửa. Một đặc điểm nữa là chùa thường rất sạch, ít ruồi và rất mát. Cây quả xung quanh nhiều, hồng, hồng xiêm, roi, bưởi, cam, chanh v.v…
Nếu đứng nhìn vào chùa, thì phía bên trái là một con đường vòng nhỏ đi qua vài nhà rồi tạo thành nhánh rẽ. Nhánh rẽ đầu chỉ chừng vài ba nóc nhà là đến một ngôi nhà nhỏ đơn lẻ cách biệt, giản dị, sạch sẽ, có mấy cây cau chụm bên hai cái chum nước cỡ lớn. Đó là nhà viên quan 5, nhưng hiện chỉ còn bà mẹ và 2 cô con gái ở. Cô chị tên Khánh, cô em tên gì chả nhớ, nhưng cả 2 đều đẹp kinh khủng. trắng mát mịn. Mắt như nước, như nói, như cười.,như duyên, như ngượng. Tát nước dưới nắng hè, quấn sà cạp vận áo nâu, chỉ một thoáng về tắm gội đã thấy tóc mây nhung huyền óng ả. Chao ôi, toét hết cả mắt đám lính cậu. Tóm lại: “Duyên, tươi, dịu và đẹp”, là cái nếu có thể tóm lại được. Cuối cùng, thì, kẻ nào không dám lấy chị em Khánh là kẻ dát và ngốc. Thầy Nghiêm gia đình ở Hà Nội là người biết rõ vạn vật, tạo hóa và con người. Bất chấp sự đố kỵ về lí lịch. Bất chấp đưa một người thôn nữ về Hà Nội không được nhập Hộ khẩu, có nghĩa không có gì ăn, không thể xin việc, không có sổ gạo, không có tem phiếu mua đậu, mua mì. Không, không, không …thậm chí cả không một mét vải. Thế đấy ! Mỗi thời đại có dấu ấn riêng của nó. Có thể là một đền đài. Có thể là dấu nung hằn trên lưng những con bò, những bầy cừu ngựa, hay hoặc móng vuốt hiệp sỹ.
Giờ này, hai người Nghiêm Khánh có còn sống không. Số phận của họ chắc chắn là số phận của gềnh thác. Đôi khi bất chợt trong cõi linh nào đấy, muốn cầu ước cho họ, muốn dâng trả những có thể cho họ. Cầu trời !
Ôi , những người con gái con trai khỏe đẹp”. Tố Hữu đã lấy cảm hứng nào khi viết thế nói thê ?
Còn Gioviet, phải chăng đã có lần đến Đại Tự, đeo đẳng về vẻ đẹp không cùng, tuyệt tác mà thuần Việt của chị Khánh , của thầy Nghiêm ?

Những người con gái con trai,
Đẹp như không thể nào đẹp hơn được nữa
Quàng quanh hoa cúc hoa sen

Cứ thấy nao nao cõi Phật.”
Trích cổ tích số phận hai nghàn năm

Nếu đứng nhìn vào chùa, thì bên phải là cây cầu bằng gạch hơi cong hình bán nguyệt. Con ngòi len lỏi qua mấy thôn, đến quãng chùa chui qua cầu, trườn cạnh cái giếng làng rồi hợp giao với dòng nước lớn hơn, chảy hút vào rặng tre um tùm ven làng. Đi qua cây cầu này, là tới dăm chục ngôi nhà , có cái khang trang cổ kính của chủ nhân lớp trên, có cái tuềnh toàng mái dạ. vách liếp hoang hoác. Chủ nhân lớp trên trong đó có ông Phó Từng ……..các anh đại trưởng đóng ở nhà này, sinh hoạt, hội họp cũng tiện.
Cuối xóm, cái nhà liếp ba gian quá nghèo, chủ nhà là ông giáo bé quắt gầy gò, bà chủ nhà ốm đau bủng beo suốt. Mang tiếng 3 gian, thực ra thì gian bên trái bé tý chỉ để vừa vặn cái khung dệt vải . gian giữa là bàn thờ với cái bộ bàn ghế cũng gọi là tràng kỷ cho khách nếu có đến.. Gian còn lại, kê 2 cái giường đôi , một cho 2 vợ chồng, một cho 2 cô con gái. Họ nhường cho bộ đội cái phản gỗ xoan ọp ẹp, kê tạm cạnh sau lưng bộ tràng kỷ.
Có 3 người lính trẻ đã sống ở ngôi nhà này, đã ngủ trên tấm phản đó. Số phận của họ may mắn và giống nhau : cùng nguyên vẹn sau cuộc chiến tranh kinh dị. Nhưng trở về với hòa bình là cả vấn đề lạ lẫm và không tưởng. Trong 3 người ấy, một trở thành ngôi sao sáng giá trong làng thể thao, một thành chuyên viên kinh tế, cả 2 sau này đều sớm thất nghiệp khi có những bước ngoặt “mở cửa”. Còn người thứ 3 đã chết trong nhà tù khi buôn lậu mì chính quá cảnh 88 sang Lào, thật buồn khi anh là con trai duy nhất, một người lính, một trai phố rất đáng nể trọng.
Cuộc đời khó lý giải. Nó như là cụ thể đấy, ở đây, từng ngày. Tháng sau, năm sau, nó trôi vuột tay ta hòa vào cõi không cùng.
Có một lần, giữa 2 đợt báo động chiến đấu, cả 3 chẳng biết làm gì, chợt đố nhau cái loang lổ trên tường vách có hình gì, kẻ nói hình mặt người, người nói hình quỷ, rồi tường phía khung dệt có hình của cây gạo ngay đầu làng, có thiếu nữ khỏa thân đứng tựa trễ nải. Tường dưới phía cửa sổ hao hao giống hình Phi Đen trong cái tem phát hành thời ấy , từng mảng màu cứng cỏi, như đá như sắt.
Tất cả đã tan dữa, trong đờ đẫn kiệt quệ, trong cái vô thường của kiếp người, cái lật rơi của những cánh diều ảo ảnh , những du dỗ thời nông nổi. Hiện tại trái phá, nổ tung những khờ khạo của dân làng. Có còn không, ngôi chùa? Còn không cái cầu cong cong qua con ngòi? Còn không người lính ?
Không còn lại gì, nếu có một lần đi qua, hay, một lần trở lại. Không còn gì, chính là lý do để bản gõ này phải được ra đời.

Tháng 3 vô tận

Tháng 3 chưa có hoa gạo nở
Phía rìa cổng làng năm xưa,
Vẫn chìm trong màu xanh mờ xanh.
Những con chim đuôi dài chưa tìm về hót.

Tháng 3, chưa có hoa xoan hoa nhài.
Và nắng chưa về, trời chập chờn lạnh rét.
Người ôm dạ rơm cho bò,
Mong qua nhanh hết ngày trở lạnh.
…….

Giám sát và xây dựng

.
Bất kỳ một ngôi nhà nào bắt đầu xây cất, kể từ đó đều là những bữa đại tiệc tưng bừng của các loại người. Từ cai, người nhà dâu rể, từ quan chức đến những thằng trộm cắp dặt dẹo , từ trí thức tiến sỹ đại học người nhà, đến những đứa, thằng con , thợ xây thợ phụ phu hồ, con bé nấu cơm chạy chợ. Từ thiết kế đến thi công các loại . Từ kẻ buôn săn đón đến những cơ quan chức năng thanh tra tầng tầng , lớp lớp. Có kẻ nhân danh người nhà. Có kẻ nhân danh bạn bè.
Đó là những kẻ đến dự
Còn lại, một bên là chủ nhà , người chi cho cuộc đại tiệc này, lẻ loi đơn độc, có chăng chỉ còn lại bầu bạn là một con chó con, có tên Giám Sát bên A, nếu con chó này rất yêu quí chủ , nhưng phải là Rất Rất . Còn đa phần , các con chó này đều bị mua bằng 2
1- Quẳng ra vài khúc xương có hình vớ vẩn
2- Quẳng lên đầu ít vữa , và , có thể là vài viên gạch cho mà ngại mà sợ, và ngoan ngoãn im miệng qua ngày. Mặc trời mặc đất, mặc điêu chác, bớt xén, trộm cắp dối trá.
10 % , 35 %, 41 %, 52 % giá trị từng loại hợp đồng, từ giới thiệu, môi giới, bán thầu tùy từng loại công việc, như: xây lắp, đến chiết lại quả khi mua bán cung cấp thiết bị v.v…. đã làm bữa tiệc này đông đúc chen lấn , xô đẩy và thôn tính tiêu diệt.Có cả máu và tiếng khóc.
Giám sát là một công việc cực kỳ quan trọng và rẻ rúng. Nếu chủ nhân hiểu nó, dùng đúng nó thì rất lợi mà chẳng phải tốn mấy tiền. Nó chỉ cần 2 thứ : trao cho nó lòng tin để có thực quyền khi làm việc , và mức lương cũng không nhiều , chỉ chừng 5 triệu tháng là đủ. Ngôi nhà sẽ có chất lượng. Nó không được tin và thực quyền, dù trao cho nó cả núi tiền cũng vô ích.
Viết bài này , như là lần tổng kết , kết thúc cho cái nghề giám sát. Có thể sẽ từ bỏ nó ở đây, dù đang có nhiều lời đề nghị hậu hĩnh với những chi tiết rất hấp dẫn.

Những ngày nghỉ

.
Được nghỉ liền 3 ngày vì dính vào 30/4 và 1/5.
Hai ngày đầu thì đưa thợ nước và thợ điện đến giúp sửa chữa nhà cô em họ. Còn hôm nay, nằm ườn ngủ vùi. Điện thoại của T gọi “khẩn khoản” cũng mặc. Nhưng rồi đột xuất cũng vẫn phải dậy mặc áo mưa đi vội, lí do: đến giỗ cậu Phêrô Khoa.
Tại buổi giỗ có 3 cái nút :
1. Phải chừng 20 năm mới gặp lại Thành Nam Định. Cũng tình cờ là nó vừa nhắc tới mình thì mình lại lò dò tới. Hai mươi năm, cũng giống bác “vẫn sống trong lòng chúng ta”.
2. Mình vô cùng kinh ngạc khi anh H ngoài làm giảng viên, giờ buôn cả bất động sản. Mình đùa, bảo gan như anh, tài trí như anh có khi buôn bán tầm cỡ lớn quốc tế Bắc kinh, Tokyo….Anh nở mũi tát yêu mình phát, cũng nhộn. Nhưng tác phong nhà giáo có vẻ giảm, giọng điệu con buôn hệ thống có vẻ tăng.
3. Qua thăm hỏi, Th đã quay lại đạo thiên chúa dòng cứu thế gì gì đó, cái mảng này thì mình mù tịt. Có thể sẽ lăn vào tìm hiểu cho biết, biết cái ý tưởng và biết cái cơ chế vận hành… của nó. Lại bệnh tò mò tái phát . Nhưng vì nó là một thực thể rất lớn, đã tồn tại và đang tồn tại, có “công dân” trải khắp hành tinh. Có lẽ mình bị quyến rũ vì lối kiến trúc của nó, và nhất là, nếu mình được cưới lại ở một Nhà Thờ nào đó thì… lan man quá !
Còn bây giờ cho vào đây bài thơ Tháng 3 vô tận vừa ra lò vào đêm qua.

. Tháng 3 vô tận

. Tặng NhậtViệt

Tháng 3 chưa có hoa gạo nở
Phía rìa cổng làng năm xưa
Vẫn chìm trong màu xanh mờ xanh
Những con chim đuôi dài chưa tìm về hót

Tháng 3, chưa có hoa xoan hoa nhài
Và nắng chưa về, trời chập chờn lạnh rét
Người ôm dạ rơm cho bò
Mong qua nhanh hết ngày trở lạnh

Tháng 3 ở thành phố chưa có tin vui
Chưa có tin buồn, chưa có điệu đàn khúc hát
Bình minh chưa lên, chỉ có ngày bắt đầu là ùn tắc
Là mù mù bụi cuốn ầm ào

Tháng 3, em ở xa chưa thấy nhắn về
Anh biết bao giờ ra đón
Ga mỗi ngày có bao đoàn tàu
Chạy trên đường ray chờ đợi

Tháng 3, cô bé con gần nhà
Đã cưới, áo váy lụa là phấp phới
Nụ cười rạng xinh, hạnh phúc tràn quanh
Chỉ có anh, mỉm cười về mình

Tháng 3, con mèo đen kêu tìm bạn tình
Như ai oán gào xé, đêm ngày
Hàng phố bực mình mất ngủ
Nó không thiết ăn và gầy rộc rất tội rất thương

Tháng 3, anh cũng chưa tìm thấy đường vui
Dẫu vẫn tính lông bông diệu vợi
Vẫn bước chân bập bềnh yêu người
Vẫn vài dòng buồn yêu, níu vào tháng 3 ở lại.

. Hà nội, ngày 1/5/2010

Mình thì cũng chẳng tài cán gì, thấy vui thì reo, thấy đói thì rên. Mà không biết mình có giống đứa trẻ trong câu chuyện cổ… ở thành gì gì có ông vua gì gì, vời 2 anh chàng thợ dệt, dệt ra bộ quần áo cho vua những 2 tháng trời, rồi vua mặc ra đường, quan quân dân lính chẳng ai dám nói là cởi truồng vì sợ … là ngu. Trừ cậu nhóc thật thà và bản năng. Mà dạo này thích làm thơ cổ tích, thơ trường ca kiểu như: cái giếng bị cạn, đi hỏi thần mặt trời v.v… rồi thì con cóc con ếch, quả táo quả ổi, lời nguyền rủa này nọ. Cũng là có tí vốn rồi, hôm nào khoác bị cầm gậy đi kiếm tí tiền , tí danh hão.
Nếu không có cái blog nhật ký này, chắc giờ đang đọc báo, ti vi, nghe đài, thở dài, hút thuốc vặt… chắc cũng buồn.