Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

” Ra ngõ gặp anh hùng ! “

” Ra ngõ gặp anh hùng ! “
Posted on 13/05/2011 by gioviet


Thời mà Đảng và nhà nước Trung Quốc hết lòng chi viện cho Việt Nam chống Mỹ,và là chỗ dựa vững chắc cho ” Đảng ta, nhà nước ta”, thời ấy “ra ngõ gặp anh hùng” ( theo đài báo chính thống ).

Sau khi Mỹ go out, Việt ta được anh Đặng Tiểu Bình dạy cho bài học qua chiến tranh Trung – Việt biên giới 1979, Trường Sa 1988. Thời kỳ sau 2 cuộc chiến này, vẫn là “Đảng ta” lãnh đạo, những khó khăn kinh tế thì lao đao lắm, 2 lần đổi tiền, nhà nhà nuôi chó, nuôi lợn, đất cát ở thành phố rẻ bèo, 30 m2 đủ xây ngôi nhà nhỏ, giá chỉ ngang cái xe máy 2 bánh loại bình dân của Nhật như Hon da “Draem”, hay “D D đỏ”. Rồi ra trên cao, thì có ” Kế hoạch 2, kế hoạch 3″ ra đời; có ông Tố Hữu ”giá – lương- tiền ” , tiếng tăm nổi cồn hơn cả so với cái sự làm thơ. Rồi Đảng và Nhà nước vận động nhân dân đi khai hoang làm ăn sinh sống, Lâm Đồng, Đắc Lắc…

Thời kỳ khó khăn này, ra ngõ không gặp ” anh hùng”, mà ra ngõ, chỉ gặp “thằng khùng- thằng điên”. Câu cửa miệng ” chung qui chỉ tại vua Hùng, đẻ ra 1 lũ vừa khùng vừa diên”, ra đời là vậy, bây giờ ai ai cũng biết !

Rồi ra, Đông Âu và Liên bang Xô – viết sụp đổ. Quan hệ Việt – Trung thêm khăng khít, vô tư , hảo hảo và ngời sáng, nhiều vàng lắm tốt. Hàng hóa không nguồn gốc, với các thể loại không chất lượng, không kiểm soát tràn vào các chợ Việt. Sản phẩm Văn hóa phim ảnh tàu tràn ngập trên Tivi và báo hình độc quỳền Nhà nước phát hành, quản lý, biên tập , chỉ đạo rất sát sao.
Phố phường, thậm chí ngõ ,làng có khuôn mặt mới : Chợ lấp lánh chồng chất hàng hóa ( nhưng thật tiếc, rất ít cái có do chúng ta sản xuất ra ).
Khách sạn, nhà hàng Karaoke, mát-xoa, thư giãn, Play Game net v,v…mọc như nấm. Nhìn theo cái cách nào đó, tệ nạn xã hội bắt bắt đầu ở đây, từ chính chúng ta khuyến khích và dung dưỡng, mà không phải từ thế lực ” Âm mưu lật đổ-diễn biến Hòa bình..” từ phương trời Tây nào cả. Nạn cave mãi dâm, nạn nghiện hút ma túy, nạn cờ bạc phát triển từng ngày. Riêng ma túy, đạt mức Quốc nạn.
” không nghe Cave nói, Không tin nghiện hút trình bày ! “. Câu này ra đời.
Con em nhân dân, cán bộ, đảng viên rụng tơi tả ( riêng rụôt thịt và họ hàng gần của gioviet đã có 5 con em, có gia đình 3 , trong số dó có người dã chết vì ma túy ).
Thời kỳ ra ngõ Gặp nghiện hút !

Những năm 2000 tiếp đến , tinh tế, cũng thấy có một vài thành tựu đâu dó: tiếng Anh, sử dụng máy tính đã làm cho kiến thức và kỹ năng trong kinh tế- văn hóa- xã hội của người Việt trong nước hiệu qủa hơn. Nhưng những yếu kém, những tệ nạn tham nhũng, những bất công xã hội, những lập lờ đối ngoại, những rơi giá bão giá … đang là điều quan tâm và phản ứng của người dân, của giới trí thức, còn là cả sự chú ý của chính quyền.

Thời kỳ này, ra ngõ gặp lạm quyền, gặp quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Quốc hội, của Hành pháp, Tư pháp rất rầm rộ trên gần 700 mặt báo đài của Nhà Nước.

Thời kỳ này, các trang mạng xuất hiện các nhân vật như LS Lê thị Công Nhân, Mẹ Nấm, nhà báo Đoan Trang, Tiến sỹ LS Cù Huy Hà Vũ, GS nhà toán học Ngô Bảo Châu, SV Nguyễn Anh Tuấn và rất rất nhiều Con Người khác nữa, không thể kẻ hết

Lịch sử , sẽ ghi lại thời kỳ này, và , chắc chắn sẽ tìm đặt 1 cái tên cho nó, ví như : “ra ngõ, không gặp anh hùng !”.
.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

Vũ Quốc Uy ” NÝ NUẬN” với Quý Thanh.

Vũ Quốc Uy ” NÝ NUẬN” với Quý Thanh.
Posted on 11/05/2011 by gioviet


2 ngày nay các trang mạng bị dịch sốt phát ban ngứa mẩn đỏ, từ http://chhv.wordpress.com/2011/05/11/vu-qu%e1%bb%91c-uy-%e2%80%9cny-nu%e1%ba%adn%e2%80%9d-c%e1%bb%a7a-kieu-binh/#more-7638
Có một Vũ Quốc Uy đã viết : ( Trích )

Tác giả Quý Thanh nào đó thật không biết gì về chuyện “Luận anh hùng”. Luận anh hùng mà nhặt toàn chuyện bếp núc, đời tư, chẳng những thế còn xuyên tạc!

Anh hùng là người đáp ứng được những đòi hỏi lớn lao của xã hội trong một tình huống cụ thể, dám đương đầu một cách xứng đáng giải quyết một bế tắc, một nhiệm vụ khó khăn nào đó mà thời đại đặt ra, và nếu sứ mạng ấy là có thật thì mọi điều khác chỉ là chuyện nhỏ. Mặt khác cũng không thể lấy kết quả thành bại để luận anh hùng.

Muốn hiểu vấn đề tận gốc trước hết phải biết xã hội Việt Nam thực trạng ra sao?
…….. ( hết trích ) .

Đây là bài viết chắc nịch, sáng sủa ý tứ, ngoại trừ không bình thường ở cái tít !
.

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Đồng thuận cao ở Pakistan.







Pakístan có một nhà nước với dủ mọi ban bệ : đối nội, đốí ngoại, Quân đội, cảnh sát , an ninh, hải quan, tình báo v.v… giống như mọi nhà nước.
Người không nổi tiếng , muốn tá túc “chui ” còn khó. Trường hợp của Bin laden được sự hỗ trợ phải là rất đặc biệt.

Chứa Bin ? Nhắm mắt cũng thấy ngay cái hại ở cấp độ nguy hiểm: nước MỸ thổi bay Iraq làm tan hoang cơ đồ của Sadam Husen chỉ trong chớp loáng, không gì làm nổi vật cản .

Các chính thể quá rõ điều này.

Tiền của Bin mua sự bảo kê im lặng dung túng ư ? Loại trừ nốt điều này, Vài chục triệu $ tài sản của Bin là quá bé so với hàng tỷ $ của Mỹ hổ trợ cho Pakistan để chống khủng bố. Vả lại, giải thưởng 50 triệu $ cho bộ râu của Bin là lựa chọn tốt nhất cho mọi cá nhân muốn có tiền từ Bin.

Vậy, chỉ có thể giải thích như sau :

_ Hoặc là Chính phủ Pakistan và nhân dân đã đạt đồng thuận rất cao về tình thương người bơ vơ mà không nề hiểm nguy, giúp cho "đại gia đình Bin và cận vệ” có cái lều to để tá túc và sám hối .

_ Hoặc, phải là ý thức hệ âm thầm ở đâu đó trong ngoài, nhưng nung cháy quyết liệt : ” Phải thôn tính nước MỸ bằng con đường tiêu diệt, làm suy yếu … trên mọi lĩnh vực, dù cả bằng nuôi dưỡng những ” 9 tháng 11″.

Trường hợp này, tuy cũng tuyệt đối “đồng thuận” , nhưng có điều, không cần đến vai trò của người dân, cho đến khi vụ việc vỡ lở !

.

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Quyền con người – bản dịch của nhà báo Đoan Trang



Quyền con người – bản dịch của nhà báo Đoan Trang
Posted on 30/03/2011 by gioviet

QUYỀN CON NGƯỜI- Ayn Rand -
Ai muốn cổ súy cho xã hội tự do – tức chủ nghĩa tư bản – người ấy phải biết rằng nền tảng không thể tách rời của xã hội tự do là nguyên tắc về các quyền cá nhân. Ai muốn cổ vũ cho các quyền cá nhân, người ấy phải biết rằng chủ nghĩa tư bản là hệ thống duy nhất có thể duy trì và bảo vệ các quyền đó. Và nếu ai đó muốn đo lường mối quan hệ giữa tự do với các mục tiêu của trí thức ngày nay, người ấy có thể dựa vào một thực tế là khái niệm quyền cá nhân đang bị xói mòn, bóp méo, xuyên tạc và hiếm khi được đưa ra thảo luận, đặc biệt hiếm được thảo luận bởi lực lượng gọi là “những người bảo thủ”.
“Quyền” là một khái niệm đạo đức; là khái niệm tạo sự dịch chuyển logic từ các nguyên tắc hướng dẫn hành động của cá nhân tới các nguyên tắc hướng dẫn quan hệ của anh ta với những người khác; là khái niệm duy trì và bảo vệ đạo đức cá nhân trong xã hội; là mối liên kết giữa quy tắc đạo đức của một cá nhân và quy tắc pháp lý của một xã hội, mối liên kết giữa đạo đức và chính trị. Quyền cá nhân là phương tiện để đặt xã hội xuống dưới luật đạo đức.
Mọi hệ thống chính trị đều dựa trên một số quy tắc về đạo đức. Đạo đức học thống trị trong lịch sử nhân loại là các biến thế của học thuyết tập thể-vị tha, thứ học thuyết đặt cá nhân thấp hơn các thế lực thần bí hoặc xã hội. Hậu quả là phần lớn các hệ thống chính trị đều là những biến thể của cùng một dạng chuyên chế nhà nước, chỉ khác nhau ở mức độ chứ không phải ở nguyên tắc cơ bản, chỉ bị giới hạn một cách tình cờ bởi truyền thống, hỗn loạn, xung đột đẫm máu và các cuộc sụp đổ có tính chất chu kỳ. Trong tất cả những chế độ như thế, đạo đức là một thứ quy tắc áp dụng cho cá nhân chứ không phải cho xã hội. Xã hội được đặt bên ngoài luật đạo đức, cùng với những biểu hiện hay nguồn gốc của luật đạo đức ấy, hay những người độc quyền diễn giải nó; và sự rao giảng về hành động xả thân cống hiến cho trách nhiệm xã hội được coi như mục đích chính của đạo đức học trong sự tồn tại thế tục của con người.
Vì không tồn tại thực thể nào gọi là “xã hội”, vì xã hội chỉ là một số các cá nhân riêng lẻ, nên điều này có nghĩa là, trong thực tế, những kẻ cai trị xã hội được miễn trừ khỏi luật đạo đức. Chỉ trừ việc phải tuân thủ các nghi thức truyền thống, còn lại, họ nắm quyền lực tuyệt đối và áp đặt lên xã hội sự tuân lệnh mù quáng, dựa trên nguyên tắc tuyệt đối là: “Cái tốt là cái gì tốt cho xã hội (hay cho bộ lạc, chủng tộc, quốc gia), và các sắc lệnh của nhà cầm quyền là tiếng nói của cái tốt trên đời”.
Điều này đúng với mọi chế độ toàn trị, đúng với mọi biến thể của đạo đức học theo chủ nghĩa tập thể-vị tha, thần bí hay xã hội. “The Divine Rights of Kings” (Quyền Thần Thánh Của Các Vị Vua) tóm tắt luận thuyết chính trị áp dụng cho các chế độ toàn trị thần quyền; còn “Vox populi, vox dei” (Ý Dân Là Ý Trời) tóm tắt luận thuyết áp dụng cho các nhà nước toàn trị. Một số bằng chứng: chế độ thần quyền ở Ai Cập, với các Pharaoh được coi như hiện thân của Chúa Trời; ách cai trị không giới hạn của đa số hay nền dân chủ của Athens; nhà nước phúc lợi của các hoàng đế La Mã; Tòa án Dị giáo thời Trung cổ; chế độ quân chủ chuyên chế ở Pháp; nhà nước phúc lợi của Bismarck ở Phổ; những căn phòng hơi độc của Đức Quốc xã; những lò sát sinh ở Liên Xô.
Tất cả những chế độ chính trị này đều là biểu hiện của đạo đức tập thể-vị tha. Đặc điểm chung của chúng là xã hội đứng bên trên luật đạo đức, như một thầy tế tùy tiện, toàn quyền, tối cao. Do đó, về mặt chính trị, tất cả các chế độ này đều là biến thể của một xã hội phi đạo đức.
Thành tựu cách mạng nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là việc đặt xã hội xuống thấp hơn luật đạo đức.
Nguyên tắc về các quyền cá nhân của con người thể hiện sự vươn rộng của đạo đức sang hệ thống xã hội – như một sự giới hạn đối với quyền lực của nhà nước, bảo vệ con người trước sức mạnh tàn bạo của cái tập thể, đặt lẽ phải lên trên quyền lực. Mỹ là xã hội đạo đức đầu tiên trong lịch sử.
Tất cả các chế độ trước đó đều coi con người như phương tiện hiến dâng cho mục đích của những người khác, và coi xã hội là mục đích của chính nó. Nước Mỹ thì coi mỗi con người là mục đích của chính mình, còn xã hội như phương tiện để đi đến một sự đồng tồn tại hòa bình, có trật tự, tự nguyện giữa các cá nhân. Tất cả các chế độ trước đó đều cho rằng đời sống của cá nhân thuộc về xã hội, xã hội có thể loại bỏ cá nhân theo bất kỳ cách nào nó muốn; tự do mà cá nhân được hưởng chỉ là nhờ sự ban ơn, sự cho phép của xã hội, và tự do ấy có thể bị rút lại bất cứ lúc nào. Mỹ cho rằng đời sống của mỗi con người thuộc về chính cá nhân đó, do quyền của cá nhân đó mang lại (nghĩa là: do nguyên tắc đạo đức và do chính bản chất con người của cá nhân mang lại), rằng quyền là tài sản thuộc sở hữu của mỗi cá nhân, xã hội do đó không có quyền gì, và mục đích đạo đức duy nhất của nhà nước là bảo vệ các quyền cá nhân.
“Quyền” là nguyên tắc đạo đức xác định và thừa nhận sự tự do hành động của con người trong một xã hội nhất định. Chỉ có một quyền cơ bản mà thôi (tất cả các quyền khác là kết quả hoặc hệ quả tất yếu của quyền cơ bản này): quyền của con người đối với đời sống cá nhân. Đời sống là một quá trình hành động tự duy trì và tự sinh sôi; quyền đối với đời sống tức là quyền hành động tự duy trì và tự sinh sôi – có nghĩa là: tự do tiến hành tất cả các hành động mà tự nhiên đòi hỏi từ một thực thể có lý trí, để hỗ trợ, thúc đẩy, hoàn thành và hưởng thụ đời sống riêng của mình. (Đó là ý nghĩa của quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc).
Khái niệm “quyền” chỉ liên quan đến hành động – mà cụ thể là liên quan đến tự do hành động, nghĩa là thoát khỏi những cưỡng chế về mặt thể xác, thoát khỏi tình trạng bị ép buộc hay bị can thiệp bởi/từ những người khác.
Do đó, đối với mỗi cá nhân, quyền là sự thừa nhận về mặt đạo đức đối với một sự chọn lựa tích cực – được tự do hành động theo lý trí, vì các mục tiêu riêng, do sự lựa chọn riêng tự nguyện, không bị cưỡng ép. Về phần những người xung quanh, các quyền của cá nhân đó không áp đặt nghĩa vụ nào lên những người xung quanh ngoại trừ một quyền phủ quyết: họ không được vi phạm các quyền của cá nhân đó.
Quyền sống là nguồn của mọi quyền, và quyền sở hữu là cách duy nhất để thi hành các quyền. Không có quyền sở hữu, tất cả các quyền khác là bất khả thi. Bởi vì con người phải tự mình duy trì đời sống của mình, cho nên người nào không có quyền đối với sản phẩm do nỗ lực cá nhân tạo ra thì sẽ không có cách nào sống được. Người nào sản xuất và bị những kẻ khác chiếm đoạt sản phẩm, thì ắt là nô lệ.
Hãy nhớ rằng giống như tất cả các quyền khác, quyền sở hữu là quyền hành động: nó không phải là quyền đối với một vật (khách thể), mà là quyền đối với hành động và các kết quả của hành động sản xuất hay phát hiện ra vật đó. Nó không đảm bảo con người sẽ tìm ra cái gì đó, mà chỉ là sự đảm bảo rằng nếu ai đó phát hiện một vật thì anh ta sẽ sở hữu nó. Đó là quyền nhận được, giữ lấy, sử dụng và định đoạt giá trị vật chất của tài sản.
Khái niệm quyền cá nhân còn mới mẻ trong lịch sử nhân loại đến nỗi, cho tới ngày nay, nhiều người vẫn không nắm bắt được nó một cách đầy đủ. Theo hai luận thuyết về đạo đức học – thần bí và xã hội – một số người khẳng định quyền là tặng phẩm của Chúa Trời, những người kia thì cho rằng quyền là tặng phẩm của xã hội. Nhưng, trong thực tế, nguồn gốc của quyền là bản chất con người.
Tuyên ngôn Độc lập (của nước Mỹ – ND) tuyên bố rằng con người “được Tạo hóa ban cho những quyền không thể xâm phạm”. Cho dù người ta coi con người là sản phẩm của Tạo hóa hay ra đời một cách tự nhiên, vấn đề nguồn gốc nhân loại cũng không làm thay đổi sự thật rằng con người là thực thể thuộc một loài đặc biệt – thực thể có lý trí – con người không thể hành động hiệu quả dưới sự cưỡng ép, quyền là điều kiện cần cho sự tồn tại đặc biệt của con người.
“Nguồn gốc của quyền con người không phải là luật thần thánh hay luật quốc hội ban hành, mà là luật đồng nhất. A là A, và Con Người là Con Người. Quyền là điều kiện mà bản chất con người đòi hỏi để có thể tồn tại một cách thích đáng. Ngay khi xuất hiện trên trái đất, mỗi cá nhân đều có quyền sử dụng trí tuệ của mình, làm việc vì các giá trị của mình và giữ lấy sản phẩm do mình tạo ra. Nếu cuộc sống trên trái đất là mục đích thì con người có quyền sống như một thực thể có lý trí: tự nhiên không cho phép con người phi lý trí”. (trích trong tác phẩm Atlas Shrugged – Ayn Rand)
Vi phạm quyền con người nghĩa là bắt buộc con người phải hành động ngược với lý trí, hay cướp đoạt các giá trị của con người. Về cơ bản, chỉ có một cách để làm việc đó: sử dụng vũ lực. Có hai đối tượng tiềm tàng khả năng vi phạm quyền con người: tội phạm và chính quyền. Thành tựu vĩ đại của nước Mỹ là vạch ra được sự phân biệt giữa hai đối tượng này – bằng cách cấm mỗi đối tượng thực hiện những hoạt động được thừa nhận là hợp pháp của đối tượng kia.
Tuyên ngôn Độc lập đặt ra nguyên tắc rằng “để bảo đảm những quyền này, chính quyền được lập ra trong nhân dân”. Đó là lời biện minh duy nhất có giá trị cho chính quyền, và nó định ra mục đích duy nhất của chính quyền: bảo vệ quyền con người, bằng cách bảo vệ con người trước bạo lực thể chất.
Do đó, chức năng của nhà nước được thay đổi từ vai trò của kẻ cai trị thành kẻ phục vụ. Nhà nước phải bảo vệ người dân khỏi tội phạm – và Hiến pháp được soạn thảo là để bảo vệ người dân trước nhà nước. Tuyên ngôn Nhân quyền (của Mỹ – ND) không nhằm chống lại các công dân, mà chống lại chính quyền – như một lời tuyên bố dứt khoát rằng các quyền cá nhân thay thế cho bất kỳ thế lực cộng đồng hay xã hội nào.
Kết quả là dạng thức một xã hội văn minh mà nước Mỹ đã gần đạt tới – trong cái dải ngắn ngủi khoảng 150 năm. Một xã hội văn minh là xã hội trong đó bạo lực bị nghiêm cấm trong các quan hệ giữa người với người; chính quyền, đóng vai trò như cảnh sát, chỉ được phép sử dụng vũ lực để thực thi biện pháp trả đũa chỉ nhằm đáp lại những người đã ra tay sử dụng bạo lực trước.
Điều này là ý nghĩa và mục đích căn bản của triết học chính trị Mỹ, ẩn chứa trong cái nguyên tắc về các quyền cá nhân. Nhưng nó không được hình thành một cách rõ ràng, cũng không được chấp nhận hoàn toàn hay thực thi một cách nhất quán.
Mâu thuẫn nội tại của nước Mỹ là đạo đức học vị tha-tập thể. Chủ nghĩa vị tha không đi cùng với tự do, chủ nghĩa tư bản và các quyền cá nhân được. Người ta không thể mưu cầu hạnh phúc với tâm lý của một con vật bị tế thần.
Chính là khái niệm quyền cá nhân đã sản sinh ra xã hội tự do. Chính từ sự tiêu diệt các quyền cá nhân mà tự do bắt đầu bị hủy hoại.
Một nền chuyên chế tập thể vốn dĩ không dám nô dịch hóa bằng cách thẳng thừng tước đoạt các giá trị vật chất hay đạo đức của quốc gia. Điều này phải được thực hiện thông qua một quá trình mục ruỗng từ bên trong. Cũng giống như trong lĩnh vực sản xuất vật chất, hành động cướp bóc tài sản một đất nước được thực hiện bằng cách tạo lạm phát tiền tệ; thế là ngày nay người ta có thể chứng kiến lạm phát được áp dụng khi bàn về các quyền. Quá trình này kéo theo một số lượng tăng lên các “quyền” mới được ban hành, nhiều đến mức người ta không để ý thấy ý nghĩa của khái niệm quyền đang bị lật ngược. Tiền xấu đẩy tiền tốt khỏi lưu thông, tương tự, những “quyền mới in trên báo” này phủ định quyền đích thực.
Quyền con người (phần 2)
Phần tiếp theo trong tiểu luận của Ayn Rand, “Quyền con người”- “Man’s Rights”. Ngôn từ triết học có nhiều chỗ dài dòng và khó hiểu, độc giả có thể đọc kỹ, đọc lướt, hoặc bỏ qua không đọc tiểu luận này. Với cá nhân tôi, những câu sau đây là đáng chú ý nhất:
“Tự do ngôn luận của công dân bao gồm cả quyền không đồng ý, không nghe…”,
“Mỗi chính quyền đều có khả năng trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với quyền con người: nó giữ địa vị độc quyền hợp pháp trong việc sử dụng vũ lực nhằm vào các nạn nhân không hề được vũ trang, theo quy định của pháp luật. Khi không chịu giới hạn và hạn chế nào bởi các quyền cá nhân, chính quyền là kẻ thù nguy hiểm số một của con người. Tuyên ngôn Nhân quyền được viết ra không phải là để bảo vệ người ta trước các hành động của tư nhân, mà là để chống các hành động của chính phủ”.
QUYỀN CON NGƯỜI (phần 2)
- Ayn Rand -
Hãy quan sát thực trạng kỳ lạ, là chưa bao giờ trên khắp thế giới bùng nổ đến thế hai hiện tượng trái ngược nhau: các “quyền” mới được tạo thêm ra và các trại cưỡng bức lao động.
“Chiêu bài” ở đây là hoán đổi khái niệm quyền từ địa hạt chính trị sang địa hạt kinh tế.
Cương lĩnh năm 1960 của Đảng Dân chủ Mỹ tóm tắt quá trình hoán đổi này một cách thẳng thừng và rõ ràng. Cương lĩnh tuyên bố rằng chính quyền thuộc Đảng Dân chủ “sẽ tái khẳng định đạo luật về quyền kinh tế mà Franklin Roosevelt từng ghi vào lương tâm quốc gia của chúng ta 16 năm về trước”.
Hãy nắm thật vững ý nghĩa của khái niệm “quyền” khi bạn đọc danh sách các quyền mà cương lĩnh đó đưa ra:
“1. Quyền làm một công việc hữu ích và được trả công, trong các ngành sản xuất hay thương mại, trên nông trang hay trong hầm mỏ của quốc gia.
2. Quyền tìm kiếm thu nhập để cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm, quần áo và phương tiện giải trí.
3. Quyền của mọi nông dân nuôi trồng và bán sản phẩm của mình để có doanh thu chu cấp cho mình và gia đình.
4. Quyền của mọi doanh nhân lớn và nhỏ được tự do kinh doanh, không bị cạnh tranh không lành mạnh, không phải chịu sự khống chế của các nhà độc quyền trong nước và nước ngoài.
5. Quyền của mọi gia đình được có nhà ở tử tế.
6. Quyền được chăm sóc y tế thích đáng, cơ hội được thụ hưởng chăm sóc sức khỏe tốt.
7. Quyền được bảo vệ một cách phù hợp khỏi những vấn đề về tuổi già, ốm đau, tai nạn và thất nghiệp.
8. Quyền hưởng một nền giáo dục tốt”.
Đặt thêm một câu hỏi vào sau mỗi trong số 8 mệnh đề trên, ta sẽ thấy rõ vấn đề: … với cái giá do ai trả?
Công việc, lương thực thực phẩm, quần áo, phương tiện giải trí (!), nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục, v.v. không tự nhiên mọc ra. Chúng là những giá trị nhân tạo – hàng hóa và dịch vụ do con người sản xuất. Ai cung cấp chúng?
Nếu một số người được trao quyền đối với sản phẩm do những người khác làm ra, thì có nghĩa là những người khác kia bị tước mất quyền và bị cưỡng bức lao động.
Bất kỳ “quyền” được viện dẫn nào của một cá nhân, mà đưa đến sự vi phạm quyền của cá nhân khác, đều không phải là và không thể là một quyền.
Không ai có quyền áp đặt một nghĩa vụ không lựa chọn, một nhiệm vụ không được trả công lên người khác, hay ép người khác phải quy phục. Không có cái gọi là “quyền nô dịch”.
Quyền của một người không liên quan đến hành động của những người khác thực thi quyền đó; nó chỉ liên quan đến việc chủ thể được tự do thực thi quyền bằng nỗ lực riêng mình.
Vì vậy, hãy nhìn nhận sự sáng suốt của các vị Tổ khai quốc: họ nói về quyền mưu cầu hạnh phúc – chứ không phải về quyền hạnh phúc. Như thế nghĩa là một cá nhân có quyền làm những gì cá nhân đó coi là cần thiết để đạt được hạnh phúc; chứ không có nghĩa là những người khác phải làm cho cá nhân đó hạnh phúc.
Quyền sống nghĩa là cá nhân có quyền nuôi sống mình bằng công việc của chính mình (ở bất cứ trình độ kinh tế nào, ở mức khả năng cá nhân cho phép); chứ không có nghĩa là những người khác phải cung cấp cho cá nhân đó các thứ cần để sống.
Quyền sở hữu nghĩa là cá nhân có quyền tiến hành các hoạt động kinh tế cần thiết để tìm kiếm, sử dụng và định đoạt tài sản; không có nghĩa là những người khác phải mang tài sản đến cho cá nhân đó.
Quyền tự do ngôn luận nghĩa là cá nhân có quyền thể hiện/ trình bày ý kiến mà không có nguy cơ bị đàn áp, can thiệp hay phải chịu sự trừng phạt của chính phủ. Quyền này không có nghĩa là những người khác phải cung cấp cho cá nhân khán phòng, đài phát thanh hay tòa báo để thông qua đó thể hiện/ trình bày ý kiến của cá nhân đó.
Bất kỳ công việc nào liên quan tới nhiều hơn một người đều đòi hỏi sự đồng ý tự nguyện của tất cả các bên tham gia. Mỗi người trong số họ có quyền ra quyết định riêng, nhưng không ai có quyền áp đặt quyết định của mình lên người khác.
Không có cái gọi là “quyền làm một công việc” – chỉ có quyền tự do trao đổi, tức là: quyền của cá nhân có một công việc nếu được người khác chọn thuê. Không có “quyền có nhà ở”, chỉ có quyền tự do trao đổi: quyền xây một căn nhà hoặc mua nhà. Không có “quyền được trả lương, trả giá công bằng” nếu không ai muốn trả, muốn thuê mướn một cá nhân hay mua sản phẩm của cá nhân đó. Không có “quyền của người tiêu dùng” mua sữa, giày, phim ảnh hay rượu sân banh nếu không nhà sản xuất nào lựa chọn sản xuất những mặt hàng đó (chỉ có quyền sản xuất của nhà sản xuất thôi). Không có “quyền” của những nhóm đặc biệt, không có “quyền của nông dân, công nhân, doanh nhân, người lao động, người già, người trẻ, những đứa trẻ chưa ra đời”.
Chỉ có Quyền Con Người – là các quyền được sở hữu bởi mọi cá nhân và bởi tất cả mọi người như những cá nhân.
Quyền về tài sản và quyền tự do trao đổi là “quyền kinh tế” duy nhất của con người (thật ra, chúng là quyền chính trị) – và không thể có cái gì như là “một đạo luật về quyền kinh tế”. Vậy mà, hãy quan sát những người cổ súy cho cái đạo luật này, họ ban hành đủ thứ và họ phá hoại quyền kinh tế.
Hãy nhớ rằng quyền là những nguyên tắc đạo đức xác định và bảo vệ tự do hành động của con người, nhưng không áp đặt nghĩa vụ nào lên người khác. Các công dân đều không phải là mối đe dọa đối với quyền hay tự do của người khác. Công dân nào sử dụng vũ lực và vi phạm quyền của người khác thì là tội phạm – và mọi người được pháp luật bảo vệ chống lại hắn.
Tội phạm là thiểu số nhỏ trong bất kỳ thời đại hay đất nước nào. Và mối nguy hại mà bọn họ tạo ra đối với nhân loại là nhỏ bé vô cùng so với nỗi kinh hoàng – đổ máu, chiến tranh, khủng bố, sung công, nạn đói, chế độ nô lệ, hủy diệt hàng loạt – do các nhà nước từng hiện diện trong lịch sử nhân loại tạo ra. Mỗi chính quyền đều có khả năng trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với quyền con người: nó giữ địa vị độc quyền hợp pháp trong việc sử dụng vũ lực nhằm vào các nạn nhân không hề được vũ trang, theo quy định của pháp luật. Khi không chịu giới hạn và hạn chế nào bởi các quyền cá nhân, chính quyền là kẻ thù nguy hiểm số một của con người. Tuyên ngôn Nhân quyền được viết ra không phải là để bảo vệ người ta trước các hành động của tư nhân, mà là để chống các hành động của chính phủ.
Bây giờ hãy quan sát cái quá trình trong đó sức mạnh bảo vệ ấy bị tiêu diệt.
Quá trình ấy đổ cho các công dân tội vi phạm những điều mà theo hiến pháp, chính chính quyền mới bị cấm vi phạm (tức là những điều mà các công dân không đủ quyền lực để thực hiện), và nhờ thế giải phóng cho chính quyền khỏi mọi ràng buộc. Hành động đổ tội đó đang tăng lên ngày một rõ ràng hơn trong lĩnh vực tự do ngôn luận. Suốt nhiều năm trời, những người theo chủ nghĩa tập thể đã tuyên truyền cho cái quan điểm nói rằng tư nhân từ chối tài trợ tức là vi phạm quyền tự do ngôn luận và là “kiểm duyệt”.
Như thế là “kiểm duyệt”, họ tuyên bố, khi một tờ báo từ chối đặt hay đăng tải bài viết của những tác giả có chủ kiến đối lập hoàn toàn với chủ trương của tờ báo.
Như thế là “kiểm duyệt”, họ tuyên bố, khi một nhà tài trợ phản đối chi tiết xúc phạm nào đó trên chương trình truyền hình mà ông ta bỏ tiền tài trợ – như trường hợp Alger Hiss được mời lên truyền hình để lăng mạ Phó Tổng thống Nixon.
Về sau, ông Newton N. Minow (*) tuyên bố: “Có kiểm duyệt thông qua xếp hàng, có kiểm duyệt bởi nhà quảng cáo, bởi truyền hình, bởi các chi nhánh sẽ bác bỏ lịch phát sóng phủ tới địa bàn của họ”. Cũng chính ông Minow ấy đe dọa rút giấy phép bất kỳ đài nào không tuân thủ chủ trương phát sóng của ông – và ai nói đó không phải là kiểm duyệt.
Hãy suy nghĩ về hàm ý sâu xa trong một khuynh hướng như thế.
“Kiểm duyệt” là chuyện chỉ gắn với nhà nước. Không có kiểm duyệt của tư nhân. Không một công dân hay công ty tư nhân nào có thể khiến ai đó phải im lặng hay tịch thu một ấn bản; chỉ nhà nước có thể làm điều đó. Tự do ngôn luận của công dân bao gồm cả quyền không đồng ý, không nghe và không tài trợ cho người đối địch với mình.
Nhưng theo các học thuyết như “đạo luật kinh tế về quyền cá nhân” kia, cá nhân không có quyền khai thác các phương tiện vật chất của mình theo sự hướng dẫn của lý trí, và phải bỏ tiền cho bất kỳ diễn giả hay nhà tuyên truyền nào có “quyền” đối với tài sản của anh ta.
Như vậy có nghĩa là việc cung cấp công cụ để thể hiện ý kiến đã tước đoạt của con người cái quyền được nêu ý kiến. Nó có nghĩa là nhà làm sách phải xuất bản những cuốn sách ông ta coi là vô giá trị, sai lệch hay xấu xa, nhà tài trợ truyền hình phải chi tiền cho các bình luận viên lăng mạ quan niệm của ông ta, chủ bút một tờ báo phải nộp những trang báo của ông ta cho một gã lưu manh trẻ ranh hò hét đòi nô dịch báo chí. Nghĩa là một nhóm người giành được “quyền” có giấy phép vô hạn trong khi nhóm khác bị vô hiệu hóa tới bất lực.
Nhưng rõ ràng là bất khả thi nếu phải cấp cho mỗi người có yêu sách một công việc, một chiếc micro hay một chuyên mục trên tờ báo, thế nên ai sẽ quyết định việc “phân phối” các “quyền kinh tế” đó và chỉ định người nhận, trong khi người chủ sở hữu đã mất quyền được lựa chọn? À, về điểm này ông Minow đã chỉ ra khá rõ.
Và nếu bạn nghĩ một cách sai lầm rằng điều trên chỉ đúng với người nào sở hữu những tài sản lớn, bạn nên nhận thấy rằng lý thuyết về “các quyền kinh tế” đề cập cả đến “quyền” của tất cả những người mà trong tương lai sẽ trở thành nhà biên kịch, nhà thơ cách tân, nhà soạn nhạc ồn ào và tất cả các nghệ sĩ phi vật thể (những người có sức thu hút về chính trị) – quyền của họ đối với sự ủng hộ về tài chính mà bạn đã không trao cho họ nếu không tham gia show diễn của họ. Việc sử dụng tiền thuế của bạn vào tài trợ cho nghệ thuật còn có ý nghĩa nào khác đâu?
Và trong khi người ta làm ầm ĩ về “các quyền kinh tế” thì khái niệm quyền chính trị lu mờ dần. Người ta đã quên rằng tự do ngôn luận tức là tự do cổ súy cho quan điểm của ai đó và chấp nhận các kết quả có thể đến, gồm sự bất đồng với những người khác, sự phản đối từ những người khác, không được ưa thích, mất đi sự ủng hộ. Chức năng chính trị của “quyền tự do ngôn luận” là bảo vệ những người không quy phục và những thiểu số không được ưa chuộng khỏi sự áp chế bằng sức mạnh – chứ không phải là bảo đảm mang đến cho họ sự ủng hộ, lợi thế hay mối thiện cảm mà họ đã không có được.
Tuyên ngôn Nhân quyền viết: “Quốc hội sẽ không ra luật nào… tước đi tự do ngôn luận, hay tự do báo chí…”. Tuyên ngôn không yêu cầu các công dân phải trao micro cho kẻ muốn hủy hoại họ, trao cái chìa khóa vạn năng cho tên trộm muốn lấy tiền của họ, hay trao con dao cho tên sát nhân muốn cắt cổ họ.
Một trong các vấn đề cốt yếu nhất của ngày hôm nay là vậy: các quyền chính trị chống “các quyền kinh tế”. Đây là vấn đề hoặc cái này hoặc cái kia, cái này tiêu diệt cái kia. Nhưng trong thực tế, không có “quyền kinh tế”, không có “quyền tập thể”, không có “lợi ích công” nào cả. “Quyền cá nhân” là một cụm từ thừa thãi: chẳng có quyền nào khác và cũng chẳng còn đối tượng nào khác có quyền ấy.
Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do là lực lượng duy nhất cổ súy cho quyền con người.
HẾT
(*) Newton N. Minow: sinh năm 1926, là một luật sư, chính khách người Mỹ, cựu chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Commnunications Commission) của Mỹ. Trong một bài diễn văn tại hội nghị của Hiệp hội Quốc gia các nhà truyền thông (9/5/1961), ông phê phán gay gắt truyền hình vì đã không làm nhiều hơn để phục vụ lợi ích công, chỉ phát sóng những nội dung phù phiếm hoặc nặng về sex. Nhiều người hoan nghênh ông nhưng cũng nhiều người cho rằng ý kiến của ông là biểu hiện của sự can thiệp từ phía chính quyền lên doanh nghiệp tư nhân. (lược dịch từ Wikipedia)
Quyền con người (phần 1)
Hưởng ứng bài viết của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – “Hãy hiểu đúng về nhân quyền Việt Nam” – để rộng đường dư luận, tôi xin dịch tiểu luận có nhan đề “Quyền con người” (Man’s Rights) của Ayn Rand. Quan điểm của Ayn Rand không nhất thiết trùng quan điểm của tướng Hưởng.
Bản dịch chắc chắn không tránh khỏi nhiều sai sót, rất mong được các bạn góp ý, sửa chữa. Xin cảm ơn.
——–
link http://trangridiculous.blogspot.com/2010_07_01_archive.html
.

Bản chất của chính phủ – bản dịch của nhà báo Đoan Trang



Bản chất của chính phủ – bản dịch của nhà báo Đoan Trang
Posted on 30/03/2011 by gioviet


Bản chất của chính phủ – phần 1
Tôi dịch tiểu luận này của Ayn Rand vào tháng 5/2009. Những gì bà viết từ năm 1963 dường như chưa bao giờ hết giá trị. Tôi nhớ câu sau đây của bà, vang vang như một tuyên ngôn: “Xã hội muốn được tự do thì chính phủ phải bị kiểm soát”; “Một cá nhân có thể làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó bị luật pháp cấm; một quan chức chính phủ không được làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó được luật pháp cho phép”.

Cái điều tưởng như là đơn giản ấy, xin thú thật là phải đến khi dịch Ayn Rand, tôi mới biết (dù đã tốt nghiệp ĐH, nghĩa là có trình độ “sơ cấp chính trị” theo tiêu chuẩn của Việt Nam chứ không phải mù chữ đâu nhá). Và nó đã là cảm hứng, là “kim chỉ nam”, “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” cho tất cả các bài viết của tôi trên mục Phát ngôn & Hành động Ấn tượng, năm 2009.
Cảm ơn các bác Cao Việt Dũng, Nguyễn Đức Thành đã bỏ công hiệu đính cho bản dịch này.
+++++++++++
BẢN CHẤT CỦA CHÍNH PHỦ (The Nature of Government) – phần 1
Download bản full: http://vepr.org.vn/home/index.php?option=com_content&task=view&id=846&Itemid=474


Chính phủ là một định chế độc quyền nắm giữ việc cưỡng chế thực thi một số quy tắc nhất định về ứng xử xã hội trong một khu vực địa lý nhất định.
Con người có cần một định chế như vậy không – và tại sao?
Vì trí tuệ của con người là công cụ căn bản mà anh ta có để duy trì sự tồn tại của mình, là phương cách để anh ta thu nhận kiến thức nhằm hướng lối các hành động – nên điều kiện căn bản mà anh ta đòi hỏi là tự do suy nghĩ và hành động theo sự phán đoán có lý trí của mình. Điều này không có nghĩa là mỗi con người phải sống một mình và hoang đảo là môi trường phù hợp nhất với anh ta. Con người có thể thu nhận những lợi ích khổng lồ từ các mối quan hệ giữa họ với nhau. Môi trường xã hội là môi trường có ích nhất để con người tồn tại thành công – nhưng chỉ như vậy với một số điều kiện nhất định.

“Hai giá trị lớn có được từ tồn tại [theo hình thức] xã hội là: kiến thức và trao đổi. Con người là loài duy nhất có thể truyền tải và mở rộng kho kiến thức của nó từ thế hệ này qua thế hệ khác; lượng kiến thức tiềm tàng lớn hơn lượng kiến thức mà bất kỳ cá nhân con người nào có thể thu nhận được trong suốt cuộc đời của anh ta; mọi người, ai ai cũng nhận được những lợi ích không thể đong đếm từ những kiến thức do người khác phát hiện ra. Lợi ích lớn thứ hai là phân chia lao động: nó cho phép một người dồn nỗ lực vào một lĩnh vực cụ thể và trao đổi thành quả với những người khác chuyên vào các lĩnh vực khác. Hình thức hợp tác này cho phép tất cả những người tham gia thu nạp được nhiều hơn kiến thức, kỹ năng và doanh lợi cho nỗ lực của họ, so với lượng kiến thức, kỹ năng và doanh lợi họ thu được khi mỗi người phải tự sản xuất tất cả những gì mình cần trên một hoang đảo hay trên một nông trang tự cung tự cấp.
Nhưng chính những lợi ích này chỉ ra, giới hạn và xác định những người nào thì có giá trị với người khác và trong những kiểu xã hội nào: chỉ có thể là những con người độc lập, có có năng lực, có lý trí, trong các xã hội tự do, có năng suất, dựa trên lý trí”. (“Đạo đức khách quan” trong Phẩm hạnh của sự ích kỷ).

Một xã hội cướp đoạt khỏi tay cá nhân sản phẩm được tạo ra từ nỗ lực của anh ta, hoặc nô dịch anh ta, hoặc tìm cách hạn chế tự do tinh thần của anh ta, hoặc cưỡng ép anh ta hành động đi ngược lại sự phán đoán có lý trí của mình – một xã hội tạo ra xung đột giữa các đòi hỏi của nó và những đòi hỏi thuộc về bản chất con người – thì, thật ra, không phải là xã hội nữa, mà là một đám đông được kết dính với nhau bởi luật lệ của các băng nhóm đã được thể chế hóa. Một xã hội như vậy phá hủy tất cả các giá trị của sự chung sống con người, nó không có một sự biện minh khả dĩ nào và là, không phải một nguồn lợi ích, mà mối đe dọa hiểm nguy nhất cho sự tồn tại của con người. Cuộc sống trên hoang đảo còn an toàn hơn và đáng mong chờ hơn nhiều so với sự tồn tại trong xã hội Nga Xô viết hay Đức Quốc xã.

Nếu con người muốn chung sống trong một xã hội hòa bình, có năng suất, dựa trên lý trí, và đối xử với nhau vì lợi ích tương hỗ, họ phải chấp nhận một nguyên tắc xã hội căn bản mà nếu thiếu thì không thể tồn tại một xã hội đạo đức hay văn minh nào: nguyên tắc về các quyền cá nhân.
Công nhận các quyền cá nhân nghĩa là thừa nhận và chấp nhận các điều kiện mà bản tính của con người đòi hỏi cho sự tồn tại thỏa đáng của anh ta.
Các quyền của con người chỉ có thể bị vi phạm bởi việc sử dụng sức mạnh. Chỉ bằng sức mạnh, một kẻ nào đó mới có thể cướp đi mạng sống của người khác, hoặc bắt người ta làm nô lệ, hoặc cướp bóc, hoặc ngăn chặn người đó theo đuổi các mục tiêu cá nhân, hoặc cưỡng ép người đó hành động đi ngược lại sự phán đoán có lý trí của mình.

Điều kiện tiên quyết để có một xã hội văn minh là loại bỏ sức mạnh ra khỏi các quan hệ xã hội – từ đó thiết lập nguyên tắc rằng nếu con người muốn giao thiệp với nhau, họ chỉ nên giao thiệp bằng các phương tiện lý trí: bằng thảo luận, bằng thuyết phục và bằng thỏa ước tự nguyện, không bị cưỡng ép.
Quyền sống của con người kéo theo một quyền tất yếu là quyền tự vệ. Trong một xã hội văn minh, sức mạnh chỉ nên được sử dụng để trả đũa và chỉ nhằm vào những kẻ đã ra tay sử dụng sức mạnh trước. Mọi lý do khiến cho việc dùng sức mạnh trước trở nên xấu xa đều cũng làm cho việc dùng vũ lực để trả đũa sau đó trở thành một mệnh lệnh đạo đức.
Nếu một xã hội “thái bình” nào đó từ chối việc sử dụng sức mạnh để trả đũa, nó sẽ phải tự phó mặc cho kẻ đầu tiên quyết định vi phạm đạo đức. Một xã hội như thế sẽ nhận được cái ngược lại với mong muốn của nó: thay vì xóa bỏ cái xấu, nó lại khuyến khích và tặng thưởng cho cái xấu.

Nếu xã hội không thể bảo vệ một cách có tổ chức cho các thành viên của nó trước sức mạnh vũ lực, nó sẽ đẩy tất cả các công dân tới việc phải tự vũ trang, biến nhà ở thành pháo đài, bắn vào bất cứ kẻ lạ nào đặt chân đến cổng nhà mình – hoặc tham gia một băng nhóm tự vệ nào đó để chiến đấu với các băng nhóm khác được thành lập cũng với mục đích tương tự, và do vậy khiến cho xã hội suy đồi thành một mớ hỗn loạn với luật lệ của các băng nhóm, tức là luật lệ của sức mạnh bạo ngược, suy đồi thành giao tranh liên miên giữa các bộ lạc, với sự dã man của thời tiền sử.
Việc sử dụng sức mạnh – ngay cả khi nhằm mục đích trả đũa – cũng không thể tùy vào ý muốn cá nhân của mỗi công dân. Cùng tồn tại trong hòa bình sẽ là điều bất khả thi nếu một người phải sống trong mối đe dọa thường trực, rằng một kẻ bất kỳ nào đó quanh anh ta có thể sử dụng sức mạnh vào bất kỳ lúc nào. Cho dù các mục đích của kẻ đó là tốt hay xấu, cho dù sự suy xét của hắn có lý trí hay phi lý trí, cho dù động cơ của hắn xuất phát từ sự suy xét công bằng hay sự ngu ngốc, từ thành kiến hay ác ý – thì sử dụng sức mạnh để chống lại một con người cũng không thể là quyết định tùy tiện của bất kỳ ai.
Ví dụ, hãy thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu một người đánh mất ví kết luận rằng anh ta đã bị ăn cắp. Anh ta bèn nhảy vào bất kỳ ngôi nhà nào ở gần đó để tìm lại ví, và bắn ngay người đầu tiên ném cho anh ta một cái nhìn không thân thiện, bởi cho rằng cái nhìn đó là bằng chứng của tội trộm cắp.

Việc sử dụng sức mạnh để trả đũa đòi hỏi những luật khách quan do các bằng chứng đưa ra để xác định rằng đã có một tội ác và chứng minh ai đã phạm tội ác ấy, cũng như những luật khách quan để xác định hình phạt và cưỡng chế thi hành trừng phạt. Không có những luật ấy, những người muốn chống lại tội ác sẽ biến thành một đám đông kiểu linsơ. Nếu xã hội để cho việc sử dụng sức mạnh nhằm mục đích trả đũa rơi vào tay mỗi cá nhân, nó sẽ suy đồi thành luật lệ của đám đông, luật kiểu linsơ cùng bất tận những vụ tư thù, cừu thù đẫm máu.
Khi sức mạnh bị cấm trong quan hệ xã hội, con người cần một thể chế nắm nhiệm vụ bảo vệ các quyền lợi của họ dưới (sự điều chỉnh của) một tập hợp các luật lệ khách quan.
Đây là nhiệm vụ của chính phủ – của một chính phủ đúng nghĩa – là nhiệm vụ căn bản nhất của nó, sự suy xét mang tính đạo đức duy nhất của nó, và là lý do tại sao con người cần có chính phủ.
Chính phủ là hình thức đặt việc sử dụng sức mạnh nhằm mục đích trả đũa vào dưới sự điều chỉnh khách quan – tức là, dưới các luật được định ra một cách khách quan.

Sự khác biệt căn bản giữa hành động của cá nhân (tư nhân) với hành động của chính phủ – sự khác biệt ngày nay đã hoàn toàn bị phớt lờ và lảng tránh – xuất phát từ một thực tế là chính phủ nắm độc quyền việc sử dụng sức mạnh một cách hợp pháp. Nó phải nắm độc quyền đó, bởi vì nó là cơ quan kiềm chế và chống lại việc sử dụng sức mạnh; và cũng chính vì lý do đó, các hành động của nó phải được định ra, phân định và giới hạn một cách cứng rắn; trong sự vận hành của nó, không được phép có một chút ý thích bất chợt, đồng bóng nào; nó phải là một robot vô nhân tính; với động lực duy nhất là luật pháp. Xã hội muốn được tự do thì chính phủ phải bị kiểm soát.

Trong một hệ thống xã hội đúng đắn, cá nhân được tự do theo pháp định để tiến hành bất kỳ hành động nào anh ta muốn (miễn là anh ta không xâm phạm quyền lợi của những người khác), trong khi một quan chức chính phủ thì bị luật giới hạn lại trong bất kỳ hành động chính thức nào của ông ta. Một cá nhân có thể làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó bị luật pháp cấm; một quan chức chính phủ không được làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó được luật pháp cho phép.
Đây là hình thức đặt lẽ phải lên trên sức mạnh. Đây là quan niệm của người Mỹ về “một chính phủ của luật pháp và không phải của nhân dân”.
Bản chất của luật pháp trong một xã hội tự do và quyền lực của chính phủ trong xã hội đó, cả hai đều hình thành bắt nguồn từ bản chất và mục đích của một chính phủ đúng đắn. Nguyên tắc căn bản của cả hai đã được chỉ ra trong Tuyên ngôn Độc lập (của nước Mỹ): “để bảo đảm những quyền lợi (cá nhân) này, các chính phủ được thành lập từ dân, nhận lấy quyền lực chính đáng của chúng từ sự đồng thuận của những người chịu sự quản lý…” (tức những người mà chính phủ quản lý – ND).
Bởi vì bảo vệ quyền cá nhân là mục đích thích đáng duy nhất cho sự tồn tại của một chính phủ, nên nó là đối tượng thích đáng duy nhất của lập pháp: tất cả luật pháp đều phải đặt trên cơ sở quyền cá nhân và đều nhằm bảo vệ các quyền đó. Tất cả luật pháp phải khách quan (và công bằng một cách khách quan): mọi người phải biết rõ, và biết trước khi tiến hành một hành động, là luật pháp cấm họ làm những gì (và tại sao), cái gì cấu thành một tội ác và họ sẽ phải chịu hình phạt gì nếu phạm tội đó.
Nguồn gốc quyền lực của chính phủ là “sự đồng thuận của những người chịu sự quản lý”. Điều này có nghĩa rằng chính phủ không phải là kẻ cai trị, mà là đầy tớ hay là tay sai của các công dân; nghĩa là một chính phủ như thế không có quyền gì trừ các quyền mà các công dân ủy cho nó vì một mục đích cụ thể.
Chỉ có một nguyên tắc căn bản mà các cá nhân phải thuận theo nếu họ muốn sống trong một xã hội văn minh, tự do: nguyên tắc chống sử dụng sức mạnh và ủy cho chính phủ quyền tự vệ tự nhiên của mỗi cá nhân, nhằm thực thi luật một cách có trật tự, khách quan và theo đúng như những gì luật xác định. Hay nói cách khác, mỗi cá nhân phải chấp nhận sự phân biệt giữa nghĩa vụ và ý thích thất thường (bất kỳ ý thích nào, kể cả ý thích của bản thân cá nhân đó).
Bây giờ điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp giữa hai cá nhân có sự bất đồng về một vụ việc mà hai bên đều tham gia?
Trong xã hội tự do, một người không bị bắt buộc phải giao dịch với người khác. Họ chỉ làm như thế trên cơ sở sự nhất trí tự nguyện, và, khi có thêm yếu tố thời gian, trên cơ sở hợp đồng. Nếu hợp đồng bị phá vỡ do quyết định tùy tiện của một người, điều đó có thể gây ra tổn hại về mặt tài chính đến mức thảm họa cho người kia, và nạn nhân sẽ không còn cách nào khác ngoài việc giữ tài sản của đối phương để đền bù thiệt hại. Nhưng ở đây, lại một lần nữa, việc sử dụng sức mạnh không thể là quyết định cá nhân của một ai. Và điều này dẫn đến một trong những chức năng quan trọng nhất và phức tạp nhất của chính phủ: chức năng làm trọng tài giải quyết các bất đồng giữa mọi người với nhau theo các luật khách quan.
Tội phạm là thiểu số nhỏ trong bất kỳ xã hội bán văn minh nào. Nhưng việc bảo vệ và cưỡng chế thực thi hợp đồng thông qua các tòa án dân sự là nhu cầu tối quan trọng của một xã hội hòa bình; không có sự bảo vệ đó, không nền văn minh nào có thể phát triển hay được duy trì.
CÒN NỮA
Bản chất của chính phủ – phần 2
Cảm ơn bạn Đặng Minh Châu đã có một góp ý sửa sai quan trọng cho bản dịch của tôi, ở phần này:
Trong một hệ thống xã hội đúng đắn, cá nhân được tự do theo pháp định để tiến hành bất kỳ hành động nào anh ta muốn (miễn là anh ta không xâm phạm quyền lợi của những người khác), trong khi một quan chức chính phủ thì bị luật giới hạn lại trong bất kỳ hành động chính thức nào của ông ta. Một cá nhân có thể làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó bị luật pháp cấm; một quan chức chính phủ không được làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó được luật pháp cho phép.
Đây là hình thức đặt lẽ phải lên trên sức mạnh. Đây là quan niệm của người Mỹ về “một chính phủ của luật pháp và không phải của nhân dân”.
Phần type đậm, nguyên gốc tiếng Anh là “a government of laws and not of men”. Ở đây, Ayn Rand muốn nhấn mạnh sự đối lập giữa một chính phủ pháp trị, duy lý, chứ không phải một chính phủ của những cá nhân tùy tiện và cảm tính (mười anh nông, mười anh kiệt hay trăm anh nông, trăm anh kiệt thì cũng vẫn là tùy tiện và cảm tính).
Do vậy cách dịch “một chính phủ của luật pháp và không phải của nhân dân” là sai và có thể gây thắc mắc tại sao chính phủ lại không phải của nhân dân?
Xin sửa lại là: “một chính phủ luật pháp chứ không phải chính phủ con người”.
+++++++++++++BẢN CHẤT CỦA CHÍNH PHỦ (The Nature of Government) – phần 2
Tội phạm là thiểu số nhỏ trong bất kỳ xã hội bán văn minh nào. Nhưng việc bảo vệ và cưỡng chế thực thi hợp đồng thông qua các tòa án dân sự là nhu cầu tối quan trọng của một xã hội hòa bình; không có sự bảo vệ đó, không nền văn minh nào có thể phát triển hay được duy trì.
Không như loài vật, con người không thể tồn tại bằng cách hành động theo một loạt phản ứng tức thời. Con người phải đặt ra các mục tiêu và đạt được chúng trong một dải thời gian; anh ta phải tính toán các hành động và lập kế hoạch dài hạn cho cuộc đời mình. Trí tuệ của con người càng mẫn tiệp và kiến thức càng rộng lớn thì kế hoạch của anh ta càng có tầm xa. Nền văn minh càng cao hoặc càng phức tạp, thì càng đòi hỏi các hoạt động có tầm nhìn xa hơn – và bởi vậy đòi hỏi cả các thỏa thuận mang tính hợp đồng giữa con người với nhau cũng phải dài hạn, và nhu cầu của con người được bảo vệ an toàn trong những thỏa thuận như vậy càng cấp thiết hơn.
Thậm chí một xã hội hàng đổi hàng nguyên thủy cũng không thể vận hành được nếu một người đồng ý đổi một giạ khoai tây lấy một rổ trứng và rồi, sau khi đã nhận đủ trứng, từ chối giao khoai tây. Hãy hình dung những hành động được dẫn dắt bởi sự thất thường này sẽ mang lại hậu quả như thế nào trong một xã hội công nghiệp nơi người ta giao những hàng hóa trị giá một tỉ đôla theo hình thức bán chịu, trả dần, hay ký những hợp đồng xây các công trình hàng tỉ đôla, hay ký hợp đồng cho thuê thời hạn đến chín mươi chín năm.
Hành động đơn phương vi phạm hợp đồng gắn liền với việc sử dụng vũ lực một cách gián tiếp: về bản chất, nó là khi một người nhận các giá trị vật chất, hàng hóa hay dịch vụ, từ một người khác, sau đó từ chối thanh toán và do đó giữ hàng hóa đó bằng vũ lực (thuần túy là sự chiếm giữ vật chất), chứ không phải bằng quyền – tức là, giữ hàng hóa mà không có sự nhất trí của người chủ sở hữu. Tương tự, tội lừa đảo cũng liên quan tới việc gián tiếp sử dụng vũ lực: nó là việc đoạt lấy giá trị vật chất mà không được sự đồng ý của người chủ sở hữu, nhờ hứa hão hoặc nuốt lời hứa. Trấn lột là một biến tướng nữa của việc sử dụng vũ lực gián tiếp: đó là việc đoạt lấy các giá trị vật chất mà không phải để trao đổi lấy giá trị khác, bằng cách đe dọa dùng vũ lực, bằng bạo lực hoặc gây thương tích.
Một số trong các hành động kể trên rõ ràng là hành vi phạm tội. Những hành động khác, chẳng hạn việc đơn phương vi phạm hợp đồng, có thể không mang động cơ tội ác, nhưng do sự thiếu trách nhiệm hoặc thiếu lý trí gây ra. Chúng cũng có thể là các vấn đề phức tạp khi cả hai bên tham gia đều đòi công lý. Nhưng dù thế nào, tất cả các vấn đề như vậy đều phải được đưa ra trước những luật định khách quan và phải được giải quyết bởi một trọng tài vô tư thực thi luật pháp, tức là bởi một quan tòa (và một ban hội thẩm, trong trường hợp cần thiết).
Hãy quan sát cái nguyên tắc căn bản điều chỉnh công lý trong tất cả những trường hợp này: nó nói rằng không ai được phép đoạt lấy bất cứ giá trị gì từ người khác mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu – và, như một hệ quả tất yếu, rằng các quyền của con người không thể được giao phó cho một quyết định đơn phương, cho sự lựa chọn tùy tiện, cho sự phi lý trí, tính thất thường của người khác.
Về bản chất, đó là mục đích đúng đắn của một chính phủ, nhằm làm tồn tại xã hội trở thành điều khả thi đối với mọi người, bằng cách bảo vệ lợi ích và đấu tranh chống những cái xấu mà con người có thể gây ra cho nhau.
Các chức năng đúng đắn của một chính phủ được giao vào tay ba lực lượng lớn, tất cả đều liên quan tới vấn đề sử dụng sức mạnh và bảo vệ nhân quyền: cảnh sát, để bảo vệ con người khỏi tội ác – các lực lượng vũ trang, để bảo vệ con người khỏi các thế lực ngoại xâm – tòa án, để giải quyết tranh chấp giữa con người với nhau theo các luật khách quan.
Ba lực lượng này kéo theo nhiều vấn đề như là hệ quả tất yếu và phái sinh của chúng – và việc thực thi chúng dưới hình thức lập pháp cụ thể thì vô cùng phức tạp. Cái này thuộc về lĩnh vực của một khoa học đặc biệt: triết học về luật pháp. Nhiều sai lầm và bất đồng có thể xảy ra trong việc thực thi, nhưng điều cốt yếu ở đây là nguyên tắc cần được thực thi: cái nguyên tắc phát biểu rằng mục đích của luật pháp và của chính phủ là bảo vệ các quyền cá nhân.
Ngày nay, nguyên tắc này bị quên lãng, phớt lờ và lảng tránh. Kết quả là tình trạng hiện nay của thế giới, nhân loại đi giật lùi về tình trạng vô luật pháp của một chế độ độc tài tuyệt đối, về sự tàn bạo thời nguyên thủy của việc cai trị bằng sự dã man.
Khi phản đối khuynh hướng này, một cách thiếu cân nhắc, một số người đang đặt ra câu hỏi liệu chính phủ có phải vốn bản chất là xấu xa và phải chăng vô chính phủ là hệ thống xã hội lý tưởng? Vô chính phủ, khi là một khái niệm chính trị, là một ý tưởng trừu tượng ngây thơ: vì tất cả các lý do đã thảo luận ở trên, xã hội nào thiếu vắng một chính phủ có tổ chức sẽ bị giao phó vào tay kẻ xấu đầu tiên xuất hiện, kẻ sẽ đẩy nó vào sự hỗn loạn được tạo nên từ xung đột giữa các băng nhóm. Nhưng khả năng phát sinh sự vô đạo đức của con người chưa phải là lý do duy nhất để phản đối hệ thống vô chính phủ: ngay cả một xã hội, nơi mà tất cả các thành viên đều có lý trí đầy đủ và đạo đức tốt, không phạm lỗi nào, cũng không thể hoạt động trong tình trạng vô chính phủ: bởi vì cái nhu cầu về các luật khách quan và một vị trọng tài giải quyết các bất đồng thân thiện giữa con người với nhau, chính nhu cầu đó làm cho việc thành lập một chính phủ trở thành cần thiết.
Biến thể gần đây của lý thuyết vô chính phủ đang làm mê hoặc một số người trẻ tuổi cổ súy cho tự do. Đó là cái thứ quái dị gọi là “các chính phủ cạnh tranh”. Thừa nhận những tiền đề căn bản của các nhà thống kê hiện đại – những người không nhận thấy sự khác biệt giữa chức năng của chính phủ và chức năng của các ngành sản xuất, giữa động lực và sản xuất; những người cổ súy cho quốc hữu trong kinh doanh – các nhân vật đề xướng “chính phủ cạnh tranh” nhìn vào mặt kia của đồng xu và tuyên bố rằng vì cạnh tranh có lợi như thế cho kinh doanh, nên cũng có thể áp dụng chuyện cạnh tranh cho chính phủ. Thay vì chỉ có duy nhất một chính phủ độc quyền, họ tuyên bố cần có một số chính phủ khác nhau trong cùng khu vực địa lý, cạnh tranh để giành được sự trung thành cá nhân của mỗi công dân, mỗi công dân đều được tự do “đi mua hàng” và hạ cố lui tới bất kỳ chính phủ nào anh ta chọn.
Hãy nhớ rằng kiềm chế con người bằng sức mạnh là dịch vụ duy nhất mà chính phủ phải cung cấp. Hãy tự hỏi mình xem cạnh tranh trong dịch vụ đó sẽ thành ra như thế nào.
Người ta không thể bảo lý thuyết này là mâu thuẫn khái niệm, bởi vì rõ ràng nó không cho thấy một sự thông hiểu về hai khái niệm “cạnh tranh” và “chính phủ”. Người ta cũng không thể bảo nó là một sự khái quát hóa linh hoạt, bởi vì nó không có mối liên hệ nào hoặc tham chiếu nào tới thực tiễn và không tài nào cụ thể hóa nó vào thực tiễn được, thậm chí dù chỉ một cách phác thảo hay đại khái mà thôi. Một ví dụ minh họa là đủ: giả sử ông Smith, khách hàng của Chính phủ A, ngờ rằng hàng xóm nhà bên của ông là Jones, khách hàng của Chính phủ B, đã ăn cắp của Smith. Quân của Cảnh sát A bèn đến nhà ông Jones và chạm mặt quân của Cảnh sát B, phe này tuyên bố rằng họ không chấp nhận hiệu lực của khiếu nại của ông Smith và không công nhận quyền của Chính phủ A. Chuyện gì xảy ra khi đó? Quý vị tự rút ra kết luận.
Sự phát triển của khái niệm “chính phủ” đã trải qua một quá trình lịch sử dài và quanh co. Những ý nghĩ mơ hồ về chức năng của chính phủ dường như đã tồn tại trong tất cả các xã hội có tổ chức. Những ý nghĩ ấy từng xuất hiện khi người ta nhận ra sự khác biệt ngầm (thường không tồn tại) giữa một chính phủ và một băng cướp; nhận ra vòng hào quang tôn kính và quyền lực đạo đức mà chính phủ được hưởng với tư cách người bảo vệ “luật pháp và trật tự”; nhận ra cái thực tế rằng ngay cả những nhà nước xấu xa nhất cũng thấy cần thiết phải duy trì chút vẻ bề ngoài của trật tự và công bằng giả hiệu, dù chỉ do thói quen hay do truyền thống, và phải kiếm được vài lời biện minh đạo đức cho cho quyền lực của chúng – huyền bí hoặc mang tính xã hội. Cũng giống như các vị hoàng đế Pháp phải viện đến “Quyền lực Thần thánh của Nhà Vua”, các nhà độc tài hiện đại của Liên Xô phải dốc tiền vào tuyên truyền để biện minh cho sự cai trị của họ trước những đối tượng bị họ bắt ép làm nô lệ.
Trong lịch sử nhân loại, việc hiểu được các chức năng đúng đắn của chính phủ là một thành tựu chỉ mới đạt được gần đây: cách nay 200 năm và bắt nguồn từ thời các vị tổ khai quốc của Cách mạng Mỹ. Các vị này không chỉ xác định bản chất và những đòi hỏi của một xã hội tự do, mà họ còn phát minh ra phương thức để biến nó thành thực tiễn. Một xã hội tự do – như bất kỳ sản phẩm nào của con người – không thể được tạo ra nhờ các phương thức ngẫu nhiên, hay bằng việc chỉ ngồi mơ ước, hay bằng các “mong muốn thiện tâm” của lãnh tụ. Một hệ thống pháp chế phức tạp, dựa trên các nguyên tắc có hiệu lực khách quan, là điều kiện bắt buộc phải thỏa mãn để làm cho xã hội tự do và giữ cho nó tự do – một hệ thống không phụ thuộc vào các động cơ, phẩm chất đạo đức hay mong muốn của bất kỳ một quan chức nào, một hệ thống không để một cơ hội nào, một kẽ hở luật pháp nào cho độc tài phát triển.
Hệ thống kiểm tra và cân bằng của Mỹ là một thành tựu như thế. Và mặc dù những mâu thuẫn nhất định trong Hiến pháp đã tạo kẽ hở cho sự phát triển của chế độ nhà nước trung ương tập quyền, nhưng thành tựu vô song đạt được là khái niệm hiến pháp như là phương tiện để giới hạn và kiềm chế quyền lực của chính phủ.
Ngày nay, khi thành tựu này đang bị người ta âm mưu xóa bỏ, không phải là thừa khi nhắc lại rằng Hiến pháp là sự kiềm chế đối với chính phủ, chứ không phải với các cá nhân – rằng nó không quy định đạo đức của các cá nhân, mà chỉ quy định đạo đức của chính phủ – rằng nó không phải là một đặc quyền đối với chính phủ, mà là một hiến chương cho việc bảo vệ các công dân trước chính phủ.
Bây giờ hãy xem mức độ đảo lộn về đạo đức và chính trị của chính phủ ngày nay. Thay vì bảo vệ các quyền con người, chính phủ đang trở thành kẻ xâm phạm quyền con người nguy hiểm nhất; thay vì canh gác tự do, chính phủ đang xây chế độ nô lệ; thay vì bảo vệ con người khỏi những kẻ khởi xướng vũ lực, chính phủ đang khởi xướng vũ lực và áp bức theo bất kỳ cách nào và trong bất kỳ vấn đề gì nó muốn; thay vì đóng vai trò như một công cụ khách quan trong quan hệ giữa con người với con người, chính phủ đang tạo ra một triều đại ngầm, chết chóc, đầy bất trắc và đáng sợ, bằng các hình thức luật phi khách quan, mà việc diễn giải luật phụ thuộc vào những quyết định tùy tiện của các vị công chức tùy tiện; thay vì bảo vệ con người khỏi bị thương tổn bởi những cơn thất thường, chính phủ đang đòi hỏi cho nó quyền được hành xử thất thường không giới hạn – đến mức độ chúng ta đang nhanh chóng tiến đến thời kỳ đảo ngược hoàn toàn: thời kỳ mà chính phủ được tự do làm bất kỳ cái gì nó muốn, trong khi công dân chỉ có thể hành động nếu được phép; là một giai đoạn trong thời kỳ đen tối nhất của lịch sử con người, giai đoạn cai trị bằng sự dã man.
Thường khi có nhận xét cho rằng, bất chấp các tiến bộ về vật chất, nhân loại đã không đạt được một mức độ tiến bộ đáng kể nào về đạo đức. Nhận xét này thường được một vài kết luận bi quan về bản tính con người phụ họa. Quả thật, chất lượng đạo đức của nhân loại đang đi xuống một cách đáng hổ thẹn. Nhưng nếu người ta nhìn vào sự vi phạm đạo đức đầy ma quỷ của chính phủ (chính cái đức vị tha tập thể đã làm cho sự vi phạm này thành điều có thể xảy ra), mà trong phần lớn lịch sử, nhân loại đã phải sống với sự vi phạm ấy, người ta sẽ bắt đầu tự hỏi làm thế nào mà nhân loại có thể bảo tồn được, dù chỉ cái vỏ ngoài của nền văn minh, và vết tích nào của lòng tự trọng đã không bị tiêu diệt đi mất mà giúp họ đứng thẳng trên đôi chân của mình?
Người ta cũng bắt đầu nhìn thấy rõ hơn bản chất của những nguyên tắc chính trị – vốn phải được chấp nhận và cổ súy như một phần trong cuộc chiến cho sự Phục Hưng của trí tuệ con người.
———-
Link http://trangridiculous.blogspot.com/2010_07_01_archive.html
.

Chùa chiềng mà lòe loẹt, không còn là chùa chiềng.



















Chùa chiềng mà lòe loẹt, không còn là chùa chiềng.
Posted on 08/05/2011 by gioviet

.
” Mái Đình cong cong”
“Mái chùa thấp thoáng”



Chùa Việt Nam thường ẩn mình thấp thoáng, hòa vào khung cảnh làng mạc, cây núi đại ngàn. Tam quan , khuôn viên chùa giản dị gần gụi, mát dịu tạo cảm giác nhẹ nhàng yên tĩnh .


Tam bảo thường tạo ra cảm súc mãnh liệt về sự trình diện trước trời đất, tổ tiên ông bà, kính trọng thiêng liêng, nhưng là thân thiết gần gũi, đến chùa mà như lâu rồi , nay được trở về nhà. Cái “đi chùa” mà như “về”, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác “một cõi đi về” là thế.


Thời nay, chùa Việt cũng đang khác lạ !
Nhiều “chùa lạ” mọc mới. nhiều chùa lột xác thay hình đổi dạng lại trên nền cũ để từ chùa Việt nay cơ cấu chuyển hóa thành “chùa lạ”. Loại chùa lạ này tạo ra cảm giác khoe khoang, dụ kéo hãy đến “xem” , nó quá long lanh và hoành tráng ! Thường, nó nghất nghểu phô trương, quá cao so với nước non Việt, nó quá lớn so với những ngôi làng, xóm chợ, ruộng đồng Việt gần đó. Nó quá lòe loẹt, và rờm rạc, như để câu khách, phá tan hoang cái bố cục sông nước con người Việt đang nghèo nàn buồn buồn. Là tâm điểm của chủ đề, nó như muốn gửi đi một thông điệp nào đấy, rất không Việt.


Son phấn mà lòe loẹt , không phải là son phấn !
Chùa chiềng mà lòe loẹt, không còn là chùa chiềng.


Tâm linh ở nơi yên tĩnh nhẹ nhàng thanh thoát, tâm linh không ở nơi ồn ào phồn thực.
Thánh đường và cửa phật thật sự, phải là nơi kẻ hèn khó tá túc khi đói rét, dăm bữa vài ngày,
Tâm đức và công đức là điều đương nhiên. Nhưng, tâm đức thắp hương cúi lạy trước hòm công đức trên ban thờ là điều không bình thường, thậm chí phi Phật. Hủy hoại cái bao la ngời sáng cõi Phật, đưa sự tính toán thực dụng vào chốn thanh tao thiêng liêng, lấy cái đong đếm trần tục án ngữ cái vô hạn của cõi phật, cõi người.


Tín ngưỡng thực sự đáng trọng, là, khi, hoạt động của nó, cơ chế vận hành và sản phẩm của nó phải: khơi dậy phần tốt đẹp ở mỗi con người, mỗi ngôi làng, mỗi thành phố. Đóng góp vào sự thu bé lại, khắc chế bớt phần con bản năng tăm tối; thân phận người bớt mong manh, thân phận đất nước cường mạnh trở lại sau những bão tố biến cố.


Không là kẻ chuyên nghiệp, tản mạn vài dòng là như vậy !
.—
tham khảo thêm ảnh và tin Vài hạt sạn quanh việc đưa Ngọc xá lợi Phật về chùa Bái Đính ở link





.

Nguyễn Hoàng Đức với : ” Nho giáo, chiếc xe bò tăng tốc vào lịch sử hiện đại”

Nguyễn Hoàng Đức với : ” Nho giáo, chiếc xe bò tăng tốc vào lịch sử hiện đại”
Posted on 06/05/2011 by gioviet

Bài viết Rất tuyệt, dù là khá dài, phần phản hồi phân tuyến rõ ràng.Xin được cảm ơn Tác giả !

( Link http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/NgamNghi-VietNam/Nho_giao_chiec_xe_bo_tang_toc_vao_lich_su/ )

Mới đây tôi có vài bài viết muốn tranh luận và đả phá thẳng vào giới Nho học. Điều đó cũng đã gây nên một cuộc xới lộn nào đó, nhưng chủ yếu nằm bên dưới sân khấu, tức là những comments, mà chưa có một bài nào chính thức bước lên đài để cọ xát chân lý.
Tôi quan niệm thế này, một người làm khoa học, sẽ thật xấu hổ khi hiếu thắng đòi đúng- sai theo kiểu mình chiến thắng còn đối phương thì thất bại. Con người không ai có đủ các sở trường, tôi là người không biết chữ Hán, việc chữ Hán nên để giành cho các chuyên gia chữ Hán, vì “cái gì của Sê-da hãy đem trả Sê-da” thế mới là văn hóa.
Nhưng chữ Hán không phải là tất cả con đường đi đến chân lý, giống như có nhiều chuyên gia đã bảo, không thể bàn về triết học mà không biết tiếng Đức, họ đâu có hiểu triết học được bắt đầu từ Hy Lạp và chữ Hy Lạp. Vậy thì chỉ có người Hy Lạp mới xứng đáng bàn về triết học thôi sao, than ôi, sau hàng nghìn năm, chính ở Đức, Pháp, rồi Anh mới là những cánh đồng làm xum xuê triết học của Hy Lạp với rất nhiều triết gia tên tuổi như Descartes, Kant, Hegel và Bacon… Vậy thì cái tôi không biết tiếng Hán không ngăn cản tôi có được những suy luận rồi phán đoán, cái là tổng tham mưu của mọi ngôn ngữ, cái cũng qui định rằng dù anh học bất cứ thứ tiếng nào nếu anh không có bộ tham mưu thì anh không thể là ông chủ suy tư được mà anh chỉ là những người nhặt nhạnh trích chép của thư ký mà thôi .
Trong những comments vừa qua, tôi thành thật cảm ơn những người đã đồng cảm với mình, không phải đồng cảm vì tôi được khen, mà đó là sự kính trọng những người nói có sách.Trái lại, có nhiều người nói đại loại “ông Đức dốt thế” , hoặc “ông nói phì cười” thì chẳng thấy dẫn ra cứ liệu hay bằng chứng gì cụ thể. Trong những người phản bác tôi mạnh nhất là ông Y Lan, nhưng tôi lại cảm phục ông vì ông đã làm được cái việc rất khó đó là đưa ra lời xin lỗi cụ thể trong comment “Lời xin lỗi muộn màng” . Về học thuật , tôi biết còn có cái phải học ông, nhưng tôi thấy cái khó hơn là nên biết học ông cử chỉ rất đàng hoàng là biết xin lỗi, một thứ xin lỗi không đơn giản là học thuật mà còn là một thái độ thiện chí, bao dung, nhắm về một giá trị tổng quát bao trùm hơn. Chính vì lý do đó mà tôi đã cố tình viết những lời này không phải trên comments mà vào bài viết chính thức của mình. Để học tập và cám ơn ông.

Giờ tôi xin được bàn về mấy điểm cụ thể sau, mong được rộng đường trao đổi trực tiếp với những ai muốn trao đổi. Tôi sẽ đưa ra từng điểm, nếu ai thấy những điểm này chưa đủ hoặc chưa thích hợp, xin đưa ra chính thức, tôi sẽ xin đáp lời.
Người Việt nói “thế gian chuộng của chuộng công/ nào ai có chuộng người không bao giờ”, Vậy muốn xem xét Nho giáo có thành tựu gì, chúng ta phải bàn trực tiếp vào hoa quả của nó, chứ không thể cứ đại khái Nho giáo là hay lắm , tài lắm, đã có công nằm dọc chiều dài lịch sử?


1- Rất nhiều chuyên gia đã thừa nhận: thế kỷ 20 đã tiến bộ và phát triển bằng tất cả các thế kỷ trước cộng lại. Điều này cũng không loại trừ Nho giáo.Thành tựu của Nho giáo không

thể bao gồm những lĩnh vực khoa học có những dường ray xe lửa khai phá Trung Quốc và châu Á. Rồi còn tốc độ của máy bay và tên lửa nữa, chắc hẳn nó phải nhanh hơn thời Nho giáo thịnh hành đến cả triệu lần. Thêm nữa lại còn các sáng chế về thông tin như truyền hình, điện thoại di động hay internet chắc nó nhanh hơn phi ngựa báo tin của Nho giáo một tỉ lần. Người đi bộ có tầm nhìn chục mét, người phi công có tầm nhìn khoảng nghìn cây số. Tầm nhìn vài mét chính là tầm nhìn của Nho giáo ngày xưa thua máy bay cả triệu triệu lần.

2- Đường lối chính trị xuyên suốt của Trung Quốc là quân quyền và phụ quyền như “Quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu”. than ôi , trong gia đình mà người cha đã có thể phán xét con phải chết, thì làm gì vua chúa chẳng có quyền ban cho người ta cái chết, nào thuốc độc, nào dây treo cổ… chỉ vì một chữ húy kỵ có thể giết cả chín họ. Tàn ác đến thế là cùng! Còn ở Việt Nam vụ thảm sát ba họ nhà Nguyễn Trãi ở Lệ Chi Viên. Nhẫn tâm đến thế thì còn ai đuổi kịp!

3- Lãnh tụ Tôn Trung Sơn nói: Sách vở Trung Quốc (tất nhiên là hầu hết là Nho học) chỉ toàn thấy đâm chém, hằn thù, tranh giành, giết chóc, nên càng đọc ít càng tốt. Không đọc gì là tốt nhất. Còn nhà văn Lỗ Tấn, cha đẻ của văn học hiện đại Trung quốc đã nói: Cái học của Nho giáo chỉ giỏi ăn thịt người.

4- Nho giáo và Phong kiến tài giỏi ư? Người Trung Quốc hàng năm vẫn nhớ nỗi nhục, tại vườn hoa Thượng Hải, đám thực dân chỉ có lực lượng bằng một phần trăm dân tộc khổng lồ về dân số đã trưng biển thế này “Cấm chó và người Trung Quốc!”

5- Các học giả phương Tây chính thức nói rằng: đa số các thủ đô và thành phố lớn của châu Á đều nằm sâu trong đất liền, chứng tỏ người ta không chú trọng đến phát triển mà chỉ lo phòng thủ.

6- Khi liên quân có vài chục tay súng trường tiến vào Thiên An Môn để lật đổ Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, đám quan lại không ngoài ai khác chỉ có học vấn Nho học, vẫn với tay lên bàn bốc que, để bói xem hung =cát thế nào. Rút cuộc việc bốc thẻ muốn dựa dẫm vào trời đất đó, chẳng đấu nổi vài chục tay súng trường. Thật là quốc sỉ! Lạc hậu đến nước ấy thì nuốt cả những lời than!

7- Thành tựu khoa học, rồi quân sự, rồi tốc độ giao thông và truyền tin lạc hậu với thế giới hiện đại từ hàng nghìn đến hàng triệu lần. Chỉ còn trông chờ vào chút thơ văn tức cảnh sinh tình. Nào ta hãy xem. Nhà phê bình Hoài Thanh giỏi cả Tầu học lẫn Tây học đã viết: “Thanh thế thơ Đường ở nước ta xưa nay bao giờ cũng lớn. Nhưng vì cái học khoa cử, những bài thơ kiệt tác ngâm đi giảng lại lại hoài đã gần như vô nghĩa. Nó chỉ còn là cái máy để đúc ra hàng vạn thí sinh cùng hàng vạn bài thơ dở” ( Thi nhân Việt nam NXBVH 1995, tr 33). Thế là quá rõ, thứ thơ phú ấm ớ đó không chỉ đúc ra vạn bài thơ dở, còn đúc ra cả vạn con người dở ẹc, từ nhân cách đến học vấn không có mấy tấm gương cho người đời noi theo. Cả nghìn năm làm thơ mà thua Thơ Mới kéo dài chỉ có hơn mười năm đến cả nghìn lần. Chứng tỏ anh phải thua người ta đến cả triệu lần. Than ôi, ở đời khi đã thua kém nhau cả triệu lần khác gì con côn trung so với con đại bàn thì nên lớn tiếng so sánh kiêu hãnh làm gì?!

Người đời nói, khi có việc mới biết lòng tin. Từ khi tôi đưa ra lời mời hãy viết một tiểu luận để bàn trực tiếp, nhưng vẫn chỉ thấy toàn comments là comments, tuyệt nhiên chưa có một người nào đủ dũng khí để bước lên đài. Than ôi mời lên sân khấu biểu diễn thì không dám lên, cứ đòi bàn luận ở cánh gà hay chui xuống dưới để chọc sàn, quả là lớp Nho học thật không đủ tư cách để đàng hoàng.

Nhân đây, tôi lại xin nhắc lại và rút bớt tiêu chuẩn, chỉ cần ai đó muốn biểu hiện cái hay của Nho học hãy viết một tiểu luận khoảng suýt soát một nghìn chữ thôi, đừng có biện hộ viết hay không cần dài nhé, người có thiên kinh vạn quyển trong đầu thì một nghìn chữ nhằm nhò gì?! Nhưng than ôi không biết có làm được không vì mấy ông Nho học chỉ quen viết tứ tuyệt có bốn câu, câu đối hai câu, hành phi một câu… liệu có nắm được xương cốt logic để viết nghìn chữ không?!Nếu quí vị không thể viết được, thì trong một thời gian ngắn tôi buộc phải tuyên bố sự toàn thắng của kiến thức triết học và tư duy phổ quát tổng thể ở trên kiến thức lọ mọ tra trích của hủ nho nhiều lắm. Nếu không viết dược bài luận mà vẫn chỉ đòi chơi dưới sân khấu “chọc sàn”, thì tôi chỉ coi là người cửa dưới, không đủ tư cách để đối thoại.Xin được thỉnh thị và học hỏi bằng tiểu luận chính thức!

Cám ơn!
03/05/2011
.

Ngô Bảo Châu là ai ?



Ngô Bảo Châu là ai ?
Posted on 05/05/2011 by gioviet

Trước hết và chắc chắn, anh là một Người Việt có tài năng và Nhân cách lớn. Không muốn thống kê lại những thành công rực rỡ của anh trong lĩnh vực toán, và tiếng vang trong các bài nói bài viết, về Boxit, về “bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.”…, làm bùng nổ thế giới mạng.
Giáo sư, nhà toán học NBC là 1 người Yêu nước Việt, chưa ai nghi ngờ và chứng minh khác đi được. Đó là một chắc chắn !

Tiếp đến, bài viết “về sự sợ hãi”, tuy lời văn trang nhã ngắn gọn, nhưng đầy đủ và thông điệp rõ ràng:

1. Với NBC, thì Cù Huy Hà Vũ là “một con người không tầm thường… như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ… nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này”.

2. Với những người nắm quyền lực thực thi pháp luật, thì sự làm mất thể diện quốc gia, phải được truy cứu trách nhiệm.

3. Khẳng định: Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ

Cuối cùng, NBC là 1 bó đuốc lớn, mà lửa của nó thiêu rụi tan tành nhiều nhân vật Ảo, đã từng là những “nhà văn lề trái”, ” nhà báo kiêm bloger”… Điều này, được thấy qua nhiều bài viết trên nhiều trang mạng, trong hàng trăm comment liên quan, nhiều chiều.
.

Mỹ – Bin Laden – Pakistan – Trung Quốc, những comment trên VOA vietnamese

Mỹ – Bin Laden – Pakistan – Trung Quốc, những comment trên VOA vietnamese
Posted on 04/05/2011 by gioviet

Tình cờ nghe giang hồ đồn Bác Bin ” ngỏm”, sớt mạng tìm thì ra cái này :
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/pakistan-pm-on-defensive-05032011092040.html
Thủ tướng Yousuf của Pakistan đang phải chống trả dư luận về việc Bin cư ngụ ngay gần thủ đô..mà không bị phát hiện ?
Hóa ra Bin được nhân dân Pakistan “che trở” nên sống tốt. Còn chính quyền thì…không phát hiện được dù nhận khá nhiều…gì đấy !

Tiếp trang http://www.voanews.com/vietnamese/news/asia/china-bin-laden-05-03-2011-121158179.html của voa với tin Trung Quốc tán dương việc hạ sát Bin Laden, bênh vực cho Pakistan

Nhưng, những cái comment mới “vĩ mô chiến lược” thật kinh khủng. Đau , và “nhậy cảm” , rất đáng chú ý.
.

Tháng Tư




Tháng Tư
Posted on 04/05/2011 by gioviet

.
Tháng tư
Về lại mùa Hè
Rực rỡ và tràn nắng.
Như trả dâng,
Những đứa con ngỡ tuởng đã mất
Những báu vật thiêng
Trong Đền đài Tổ quốc
Một cuốn Cổ Thư về Người Việt
Một khúc dạo ca …
Yêu Nước.

Sự trở về của tháng Tư
Đẫm sự ồn ào và điềm tĩnh
Hoa nắng cứ Nở tung
Và lòng đợi chờ gặp gió

Không ngần ngại, tôi ghé vào Tháng Tư
Gặp mặt trời đi ngang đỉnh dốc
Mặt trời phả ánh xuống Buôn Hồ
Những cây Cà Phê mỉm cười
Mặt trời xuống tắm dưới làn nước Ea-Kao
Sóng dờn niềm hy vọng.

Mặt trời tháng Tư khác lắm !
Điềm tĩnh như sự trở về của Tháng Tư
Qua biển xanh lạc vào thành phố
Mỉm cười, như, tự ngàn xưa.
.
.

gioviet. 2011

Nguyễn Anh Tuấn và hội chứng tự thú



Nguyễn Anh Tuấn và hội chứng tự thú
Posted on 01/05/2011 by gioviet

.
Hành tinh Trái Đất có một quốc gia với tên gọi Việt Nam. Những tháng ngày này, có một hiện tượng lạ, nhưng tất yếu, đó là hiện tượng : người sinh viên của học viện hành chính ở Hà Nội đã gửi đơn lên viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tự thú việc “tàng trữ” một số bài viết của TS Luật sư Cù Huy Hà Vũ.
Trên rất nhiều trang mạng, từ BBC, Danlambao…, đến các blog, đăng tải tin này. Nhưng, có một trớ trêu : số lượng rất lớn các comment phản hồi cũng muốn tự thú về sự hèn nhát của chính bản thân họ, sau những lời cảm phục và biết ơn người sinh viên trẻ Nguyễn Anh Tuấn.
( linh tham khảo
http://newsforums.bbc.co.uk/ws/vi/thread.jspa?sortBy=1&forumID=13897&start=345&tstart=0#paginator
http://danlambaovn.blogspot.com/2011/04/on-tu-thu-cua-sinh-vien-nguyen-anh-tuan.html#comments



.

Con Bông






Đêm qua đã ra đi, nó đẻ lại phía sau về sự xinh đẹp và bất hạnh. Mọi người rất yêu thương nó. Con Nâu ( dog ) giờ còn lại 1 mình.
.

Trịnh Công Sơn và thư gửi Ngô Kha

Trịnh Công Sơn và thư gửi Ngô Kha
Posted on 28/04/2011 by gioviet

( link http://quechoa.info/2011/04/11/th%c6%b0-g%e1%bb%adi-ngo-kha/ ).

Thư gởi Ngô Kha là bài viết của Trịnh Công Sơn đã đãng trên tập san in ronéo tại miền Nam mà nay đã tuyệt bản, chúng tôi chọn in lại để chúng ta thấy được thái độ dấn thân của Trịnh Công Sơn trong những ngày tháng mà anh đã viết các ca khúc phản chiến nổi tiếng như Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời…

Kha;
Trong những ngày tháng 10, với khí thế đấu tranh của nhân dân miền Nam chống lại mọi âm mưu tiêu diệt tự do tư tưởng, tự do báo chí v.v. anh em bỗng nhớ Kha vô cùng (…).

Hôm nay những thành thị miền Nam đang vươn vai đứng dậy. Trời đất được cơ hội thoát ra không khí ô nhiễm để thở bằng sinh lực mới cùng tập thể nhân dân yêu nước, yêu hòa bình và tự do. Phải chăng hồi chuông báo tử đã được gióng lên để những gì cần phải tàn tạ hãy tàn tạ nhanh chóng. Khi con người nhận thấy mình không còn gì để bóc lột và tước đoạt thêm thì đứng dậy và lên đường. Đó là điều dĩ nhiên. Chỉ có kẻ mù mới không nhìn ra sự thật đó. Nếu cần phải ngạc nhiên tự hỏi sao vận hội mới của nhân dân trễ nải quá vậy. Trễ đến như vậy có nghĩa là sự chuẩn bị đã chu đáo lắm rồi. – Không hiểu sau những bức tường tối tăm của một nhà giam nào đó Kha có nghe ra những tiếng thét bi hùng của nhân dân? Có lẽ Kha không ngờ nổi là không riêng gì những đoàn thể tôn giáo, những tập thể nhân dân trên mọi lãnh vực như văn hoá, báo chí, tư pháp, tiểu thương, lao động .v.v. và ngay cả trong hàng ngũ quân nhân, công an, và cảnh sát cũng từng giờ phút nóng lòng chờ đợi. Đây đúng là lúc chúng ta có thể dùng được cái từ ngữ này mà không bị cho là xuyên tạc chút nào: “Triệu người như một”. Đúng là triệu người như một không thêm bớt gì được nữa. Mình biết được những nao nức như bờm ngựa bất kham trong Kha. Nếu tin tức bên ngoài đến kịp, có lẽ giờ đây trong lòng Kha đang mở hội không chừng. Hãy cố gắng trấn tĩnh, đừng quá nôn nóng như ngày xưa, nhưng nếu trái tim Kha đã muốn nhảy những nhịp điệu bất thường thì hẵng để cho nó reo ca đôi chút. Nếu có vài trái tim bên cạnh Kha còn tăm tối quá thì thử chuyển cái nhịp điệu vui tươi kia sang giùm. Hãy nhóm lửa cho nhau và chờ đợi. Ở bên ngoài những vòng xích anh em đang cố gắng nối lại với nhau. Cuộc tranh đấu hôm nay của nhân dân trên mọi thành thị miền Nam không giống như những cuộc tranh đấu đã qua. Chắc chắn không phải là ngọn lửa bộc phát để mau tàn tạ. Cái nhịp độ đầy đắn đo, trầm tĩnh trong từng bước một làm mình an tâm lắm. Vả chăng lúc này không tin tưởng vào thế lực và sức mạnh của nhân dân thì có lẽ chúng ta không còn cơ hội tốt đẹp nào hơn để tin tưởng nữa. Này nhé, chỉ trong vòng hai năm, thời gian Kha nằm tù, tất cả mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục đã rơi xuống một tình trạng quá thảm thương. Mọi sự gắng gượng đều vô ích. Hoàn toàn là không cứu vãn được gì nữa. Trên chiếc máy thời tiết, tất cả mọi phương diện từ tinh thần đến vật chất như tự do, cơm áo, dân chủ đều được trả về với số “0”. Riêng những vùng ngoại ô thì tệ hại hơn nữa vì đa số dân chúng đều coi như con số “0” trên kia là một tình trạng khả quan đối với họ. Họ là những kẻ chỉ còn chờ sự hủy diệt sau cùng vì chiếc kim đời sống họ đang muốn chạy nước rút về phía cực âm; (-) cơm áo, (-) trú ẩn, (-) công ăn việc làm. Có lẽ, không nên nhắc thêm những chữ tự do, dân chủ đối với họ vì đó là những món xa xỉ suốt đời không có cơ hội dùng đến nhất là trong giai đoạn mà bao tử đang làm một cuộc thi đua không hào hứng về giải “oscar de la faim” – Họ không phải là những triết gia nhưng cả cuộc đời họ là một chủ thuyết hư vô từ trong ra ngoài.
Từ những năm trước chúng ta chờ đợi những gì? Chắc Kha còn nhớ rõ là chúng ta thường nói với nhau phải chờ một ngày mà mỗi sự kiện tình thế phải là một trái cây chín muồi. Hôm nay phải chăng những trái cây chờ mong đã chín tới. Những trái cây đói khổ, chết chóc, thất nghiệp, ruộng vườn .v.v. được hỗ trợ bởi một hoàn cảnh xã hội rách nát, bè phái, tham nhũng, chia rẽ, tù tội, tra tấn… Như thế thì Kha này, có phải là một vận hội mới đã đến lúc phải thành hình hay không?
Mặc dù không ai nói với ai nhưng mình tin rằng mọi người đang nghĩ như thế. Đây là lần đầu tiên mình thấy được những tôn giáo đã bỏ qua những dị biệt để đứng cùng nhau trong một hàng ngũ, những thành phần rất khác biệt, cũng phát thanh cùng một nguyện vọng. Chưa biết sẽ đi đến đâu nhưng nhìn qua cái khối vững vàng đầy tình nghĩa anh em như thế cũng đủ cảm động rồi. Và cái điều mình mơ ước bấy lâu, cái nền tảng của mọi sự xây dựng lâu dài cho hòa bình, tự do, giờ đây đang thành tựu từng phần trên đất nước. Đólà cái “lương tâm tập thể”, một viên ngọc quý giá đã được làm bằng xương máu và sự tranh đấu liên tục của nhân dân.
Kha này,
Nếu không cho là ủy mị quá thì có lẽ phải khóc được trước hình ảnh đẹp đẽ kia và trước viễn ảnh mà “lương tâm tập thể” sẽ mang đến.
Từ 1963 đến giờ đã trải qua bao nhiêu cuộc đấu tranh, lớn có, nhỏ có, nhưng chỉ có lúc này mình mới thấy được sự nhất trí từ mọi phía của quần chúng (Dĩ nhiên là trong sự nhất trí đó hoàn toàn không có sự đóng góp của chính quyền). Và cũng vì một tập thể đồng nhất quá to lớn như thế nên vấn đề tổ chức cơ cấu càng phải cẩn mật và chặt chẽ hơn thêm. Từ đó, như mình đã nói với Kha ở trên, đừng nên nôn nóng quá vì tập thể sẽ đi rất chậm nhưng là sự chậm rãi dũng mãnh của ngọn sóng thần đang góp thêm những con sóng nhỏ để đầy đủ uy thế quét sạch sẽ mặt đất ô uế chúng ta đang sống hôm nay. Không nhắc đến thì thôi, mỗi lần nhắc lại thì trái tim như bốc lửa. Phải tự trấn an lắm mới khỏi có những cử chỉ hoặc hành động thái quá. Trong lúc này không ai có quyền bốc đồng tự tạo lấy sự dấn thân có tính cách cá nhân nữa. Mỗi ước muốn hợp tác phải có nghĩa là hợp tác trên cơ sở tinh thần mà nhân dân đã và đang tiếp tục hình thành một cách quy mô trên khắp các đô thị miền Nam. Mỗi một vụ xé rào phải được xem như có ý phá hoại tập thể. Chính vì tính cách trầm trọng đó mà cái lưới công an đang được sử dụng tinh vi hơn để kịp thời cắt lìa những đầu mối có thể nối liền với tập thể. Đây là một cuộc đấu tranh có tính cách dứt điểm buộc mỗi người phải cẩn trọng và ý thức sáng suốt về chỗ đứng của mình.
Chính quyền một mặt đang chơi trò “thả nổi tình thế” để tạo sự hoang mang trong quần chúng, mặt khác dùng mục tiêu đấu tranh của nhân dân làm mục tiêu của mình để vô hiệu hóa ý nghĩa của sự chống đối. Nhưng Kha này, sự quỷ quyệt đó không che giấu được ai đâu.
Chống tham nhũng, đòi hòa hợp hòa giải dân tộc .v.v. chỉ là những cái cớ tiên khởi để từ đó nhân dân tự cứu mình ra khỏi nanh vuốt độc tài của một chánh sách hiếu chiến và phi dân tộc mà thôi. Nhân dân đã ý thức từ lâu về thân phận của mình, ngày qua tháng lại cũng chỉ là nạn nhân của bóc lột và phỉnh phờ. Ngày nào họ chưa lên tiếng chống đối, ngày đó họ vẫn còn là cơ hội tốt, để đóng góp thêm xương máu của chính họ và của con cái họ, vẫn còn là cái bình phong tốt để tập đoàn cai trị kia nhận tiền viện trợ Mỹ để chia nhau. Trên bao nhiêu thông báo, tuyên cáo, phản kháng thư của tháng 10 này, tiếc rằng Kha không đọc được, bao nhiêu tội ác của nhà cầm quyền đã được bày biện đầy đủ cho nhân dân xem cả rồi. Nên, điều chắc chắn là đồng bào ta không dễ gì bị gạt. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian.
Có lẽ Kha sẽ có buồn đôi chút vì không thể góp tiếng cùng anh em trong giai đoạn này nhưng Kha nên nghĩ lại, mỗi chỗ đứng đều có ý nghĩa của nó trong cuộc đấu tranh chung để giành lại hoà bình và tự do cho dân tộc.
Trong thời gian không thể trực tiếp góp mặt trong cuộc đấu tranh mới mẻ này Kha thử phác họa lại những nền tảng đẹp đẽ cho một đời sống mới trong đó, đời sống con người sẽ xanh tươi như cây cỏ của quê hương, sẽ đi đứng cười nói thong dong không còn sợ hãi, tóm lại, sẽ được phục hồi xứng đáng trong thiên chức làm người.
Lòng đang quá xôn xao bởi tiếng nói đấu tranh đang vang lên trên khắp mọi đô thị miền Nam, mình không đủ trầm tĩnh để viết cho Kha dài hơn nữa. Mong Kha hiểu cho và xin hẹn gặp nhau như những tiếng pháo mừng rỡ trong những ngày linh thiêng sắp đến.
Thân ái và hy vọng
1974
Trịnh Công Sơn
( Tạp chí Sông Hương trích lại từ Rơi lệ ru người, Nhà xuất bản Phụ Nữ)