Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Đại Tự – 1966

.
Hồi chiến tranh 1966, cả đơn vị chuyển về Đại Tự Kim Chung. Họp hành thì tập hợp ở sân chùa, sau đó từng đội đi qua một cái cửa nhỏ ra phía vườn sau. Giữa khoảng vườn là cái nhà dựng bằng tre nứa làm hội trường, qua tiếp một đoạn là đến cái ao, trên bờ có mấy cây bòng giống quả rất to, bày bàn thờ thì thật là tuỵệt.
Cụ chủ trì chùa này trông thì chẳng biết là đàn ông hay đàn bà. Khi mình đến thì mọi người đã gọi là cụ chùa. Thằng Vượng “khỉ” còn ra vẻ giải thích: “Đình làng dành cho đàn ông. Chùa dành cho đàn bà”. Mình vặn : “Thế sư ( hổ mang) và chú tiểu thì tu ở đình à ?” Nó tịt. LãoToàn thì trầm ngâm một lúc, rồi đủng đỉnh: “giờ đang bài trừ mê tín dị đoan, đình chùa, miếu mạo rồi cũng phá làm kho HTX hết ý mà ! các cậu quan tâm làm gì, thật vô bổ”.
Cụ chùa là người khó tính, vóc dáng to thô khắc khổ. Bọn lính trẻ hay trêu cụ. Chúng vụng trộm đồ ăn cúng lễ trên ban trên điện thờ. Ném que , gạch đất vào con mèo già của cụ. Có lần, cậu Xây người Hải Dương ăn vụng của cụ chùa, đi té tỏng dài dài. Thuốc tây uống mãi mà chả khỏi. Anh em đùa mách cho bài thuốc: vẽ con chó rồi đốt lấy tro, hòa nước uống sẽ khỏi. Về sau, gia đình biết chuyện, sắm lễ từ Hải Dương lên, dắt tay ông con trước con mắt cả đơn vị bắt sì sụp khấn vái.
Nhớ nhất là cái bể nước mưa của nhà chùa, nước trong mát và rất ngọt. Những hôm đi tập vất vả về, vục cái gáo dừa xuống mà như cơn khát vơi đi một nửa. Một đặc điểm nữa là chùa thường rất sạch, ít ruồi và rất mát. Cây quả xung quanh nhiều, hồng, hồng xiêm, roi, bưởi, cam, chanh v.v…
Nếu đứng nhìn vào chùa, thì phía bên trái là một con đường vòng nhỏ đi qua vài nhà rồi tạo thành nhánh rẽ. Nhánh rẽ đầu chỉ chừng vài ba nóc nhà là đến một ngôi nhà nhỏ đơn lẻ cách biệt, giản dị, sạch sẽ, có mấy cây cau chụm bên hai cái chum nước cỡ lớn. Đó là nhà viên quan 5, nhưng hiện chỉ còn bà mẹ và 2 cô con gái ở. Cô chị tên Khánh, cô em tên gì chả nhớ, nhưng cả 2 đều đẹp kinh khủng. trắng mát mịn. Mắt như nước, như nói, như cười.,như duyên, như ngượng. Tát nước dưới nắng hè, quấn sà cạp vận áo nâu, chỉ một thoáng về tắm gội đã thấy tóc mây nhung huyền óng ả. Chao ôi, toét hết cả mắt đám lính cậu. Tóm lại: “Duyên, tươi, dịu và đẹp”, là cái nếu có thể tóm lại được. Cuối cùng, thì, kẻ nào không dám lấy chị em Khánh là kẻ dát và ngốc. Thầy Nghiêm gia đình ở Hà Nội là người biết rõ vạn vật, tạo hóa và con người. Bất chấp sự đố kỵ về lí lịch. Bất chấp đưa một người thôn nữ về Hà Nội không được nhập Hộ khẩu, có nghĩa không có gì ăn, không thể xin việc, không có sổ gạo, không có tem phiếu mua đậu, mua mì. Không, không, không …thậm chí cả không một mét vải. Thế đấy ! Mỗi thời đại có dấu ấn riêng của nó. Có thể là một đền đài. Có thể là dấu nung hằn trên lưng những con bò, những bầy cừu ngựa, hay hoặc móng vuốt hiệp sỹ.
Giờ này, hai người Nghiêm Khánh có còn sống không. Số phận của họ chắc chắn là số phận của gềnh thác. Đôi khi bất chợt trong cõi linh nào đấy, muốn cầu ước cho họ, muốn dâng trả những có thể cho họ. Cầu trời !
Ôi , những người con gái con trai khỏe đẹp”. Tố Hữu đã lấy cảm hứng nào khi viết thế nói thê ?
Còn Gioviet, phải chăng đã có lần đến Đại Tự, đeo đẳng về vẻ đẹp không cùng, tuyệt tác mà thuần Việt của chị Khánh , của thầy Nghiêm ?

Những người con gái con trai,
Đẹp như không thể nào đẹp hơn được nữa
Quàng quanh hoa cúc hoa sen

Cứ thấy nao nao cõi Phật.”
Trích cổ tích số phận hai nghàn năm

Nếu đứng nhìn vào chùa, thì bên phải là cây cầu bằng gạch hơi cong hình bán nguyệt. Con ngòi len lỏi qua mấy thôn, đến quãng chùa chui qua cầu, trườn cạnh cái giếng làng rồi hợp giao với dòng nước lớn hơn, chảy hút vào rặng tre um tùm ven làng. Đi qua cây cầu này, là tới dăm chục ngôi nhà , có cái khang trang cổ kính của chủ nhân lớp trên, có cái tuềnh toàng mái dạ. vách liếp hoang hoác. Chủ nhân lớp trên trong đó có ông Phó Từng ……..các anh đại trưởng đóng ở nhà này, sinh hoạt, hội họp cũng tiện.
Cuối xóm, cái nhà liếp ba gian quá nghèo, chủ nhà là ông giáo bé quắt gầy gò, bà chủ nhà ốm đau bủng beo suốt. Mang tiếng 3 gian, thực ra thì gian bên trái bé tý chỉ để vừa vặn cái khung dệt vải . gian giữa là bàn thờ với cái bộ bàn ghế cũng gọi là tràng kỷ cho khách nếu có đến.. Gian còn lại, kê 2 cái giường đôi , một cho 2 vợ chồng, một cho 2 cô con gái. Họ nhường cho bộ đội cái phản gỗ xoan ọp ẹp, kê tạm cạnh sau lưng bộ tràng kỷ.
Có 3 người lính trẻ đã sống ở ngôi nhà này, đã ngủ trên tấm phản đó. Số phận của họ may mắn và giống nhau : cùng nguyên vẹn sau cuộc chiến tranh kinh dị. Nhưng trở về với hòa bình là cả vấn đề lạ lẫm và không tưởng. Trong 3 người ấy, một trở thành ngôi sao sáng giá trong làng thể thao, một thành chuyên viên kinh tế, cả 2 sau này đều sớm thất nghiệp khi có những bước ngoặt “mở cửa”. Còn người thứ 3 đã chết trong nhà tù khi buôn lậu mì chính quá cảnh 88 sang Lào, thật buồn khi anh là con trai duy nhất, một người lính, một trai phố rất đáng nể trọng.
Cuộc đời khó lý giải. Nó như là cụ thể đấy, ở đây, từng ngày. Tháng sau, năm sau, nó trôi vuột tay ta hòa vào cõi không cùng.
Có một lần, giữa 2 đợt báo động chiến đấu, cả 3 chẳng biết làm gì, chợt đố nhau cái loang lổ trên tường vách có hình gì, kẻ nói hình mặt người, người nói hình quỷ, rồi tường phía khung dệt có hình của cây gạo ngay đầu làng, có thiếu nữ khỏa thân đứng tựa trễ nải. Tường dưới phía cửa sổ hao hao giống hình Phi Đen trong cái tem phát hành thời ấy , từng mảng màu cứng cỏi, như đá như sắt.
Tất cả đã tan dữa, trong đờ đẫn kiệt quệ, trong cái vô thường của kiếp người, cái lật rơi của những cánh diều ảo ảnh , những du dỗ thời nông nổi. Hiện tại trái phá, nổ tung những khờ khạo của dân làng. Có còn không, ngôi chùa? Còn không cái cầu cong cong qua con ngòi? Còn không người lính ?
Không còn lại gì, nếu có một lần đi qua, hay, một lần trở lại. Không còn gì, chính là lý do để bản gõ này phải được ra đời.

Tháng 3 vô tận

Tháng 3 chưa có hoa gạo nở
Phía rìa cổng làng năm xưa,
Vẫn chìm trong màu xanh mờ xanh.
Những con chim đuôi dài chưa tìm về hót.

Tháng 3, chưa có hoa xoan hoa nhài.
Và nắng chưa về, trời chập chờn lạnh rét.
Người ôm dạ rơm cho bò,
Mong qua nhanh hết ngày trở lạnh.
…….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét